pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều trị ung thư vú có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có 232.670 trường hợp mới được chẩn đoán bị ung thư vú xâm lấn vào năm 2014. Trong số những người được chẩn đoán, đa số họ là những phụ nữ trên 50 tuổi đã qua tuổi sinh đẻ.
Nhưng có ít hơn 5% trong những trường hợp mới là phụ nữ ở tuổi 40 hoặc dưới 40.
Nếu nhìn vào xác suất thống kê sẽ thấy được 1 trong 227 phụ nữ ở tuổi 30 và 1 trong 68 phụ nữ ở tuổi 40 bị mắc bệnh ung thư vú.
Trong đó, phụ nữ Mỹ gốc Phi và phụ nữ của Ashkenazi gốc Do Thái được chẩn đoán có khả năng mắc ung thư vú cao hơn so với phụ nữ ở các nơi khác.
Mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít (thậm chí không bị ảnh hưởng) phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Theo Huffington, nhiều phụ nữ trẻ - những người đã phải đối mặt với việc chẩn đoán căn bệnh này rất sợ việc điều trị và mong muốn được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một trong số những câu hỏi phổ biến thứ hai đối với các bệnh nhân mắc ung thư vú chính là: "Tôi có thể có một em bé sau này hay không?".
Các phương pháp điều trị hiện tại của bệnh ung thư có thể rất hiệu quả và trên thực tế có rất nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục sống và có một cuộc sống lành mạnh sau khi điều trị. Song, mức độ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do ung thư vú gây ra chính là điều mà nhiều bệnh nhân băn khoăn, đặc biệt là những phụ nữ trẻ tuổi.
Trả lời về vấn đề này, TS. BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư nội khoa, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản) cho biết: "Điều trị ung thư có thể gây ra các vấn đề sinh sản ở nữ giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít (thậm chí không hề ảnh hưởng) lại phụ thuộc vào phương pháp/phác đồ điều trị, thời gian điều trị và những yếu tố khác như độ tuổi của bệnh nhân.
Khái niệm "vô sinh" thật ra cũng rất RỘNG; nó có thể nói về việc khó có con, đến hoàn toàn không có khả năng có con. Vô sinh sau điều trị ung thư vú có thể chỉ là tạm thời hoặc kéo dài; vì thế cần bình tĩnh khi tiếp cận những thông tin về vấn đề này."
Ngoài ra, TS. BS Phạm Nguyên Quý cũng nhấn mạnh về tác dụng phụ của những loại thuốc điều trị nội tiết hay được dùng ở phụ nữ ung thư vú:
"Những thuốc điều trị nội tiết hay được dùng ở phụ nữ ung thư vú ở giai đoạn tiền mãn kinh như Tamoxifen và Toremifene có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn hoặc không đều. Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền mãn kinh trước khi bắt đầu hóa trị, kinh nguyệt có thể trở lại sau khi kết thúc điều trị. Ngay cả khi kinh nguyệt không trở lại, bệnh nhân vẫn có thể có khả năng sinh sản. Ngược lại, nếu bệnh nhân ở giai đoạn gần mãn kinh khi bắt đầu hóa trị, kinh nguyệt thường sẽ không trở lại và khả năng vô sinh vĩnh viễn là khá cao.
Tình trạng vô sinh vĩnh viễn cũng có thể xảy ra khi sử dụng các điều trị làm ngừng vĩnh viễn hoạt động của buồng trứng bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Vì thế, việc bàn luận với bác sĩ điều trị về nguyện vọng sinh con của mình và cách xử trí là rất quan trọng trước khi bắt đầu điều trị.", TS. BS Phạm Nguyên Quý cho biết.
Mang thai không làm tăng khả năng tái phát ung thư vú
Một số nghiên cứu cho thấy việc mang thai KHÔNG làm tăng khả năng ung thư vú tái phát. Theo đó, nhiều bệnh nhân vẫn có thể có con và nuôi con bình thường sau đó.
"Tuy nhiên, cần nhớ rằng việc có con sau khi bị ung thư là một quyết định mang tính cá nhân, còn tùy vào tiên lượng căn bệnh, mong muốn thực sự của người bệnh và khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sinh sản (như thụ tinh nhân tạo, trữ trứng,…) tại nơi sinh sống. Chẩn đoán ung thư có thể ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ và cảm nhận về việc có con và trách nhiệm nuôi con về sau. Vì thế, hãy thảo luận với bác sĩ điều trị về tiên lượng của mình và lên kế hoạch nhất định về việc sinh nở sau điều trị.", TS. BS Phạm Nguyên Quý lưu ý.
Tránh thai sau ung thư vú
Nếu bạn có quan hệ tình dục với nam giới, quan trọng là thảo luận việc tránh thai với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể gửi bạn tới phòng khám kế hoạch hóa gia đình hoặc bác sĩ gia đình để họ có thể khuyên bạn các biện pháp tránh thai thích hợp nhất với bạn.
Phụ nữ điều trị ung thư vú (kể cả điều trị tamoxifen) được khuyến nghị sử dụng các phương pháp tránh thai không có nội tiết, như là bao cao su, Femidom (bao tránh thai cho phụ nữ) hoặc màng chắn âm đạo.
Bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai tin cậy trong và sau khi điều trị.
Có thể sử dụng vòng tránh thai. Tuy nhiên bạn cần thảo luận với bác sĩ vì không phải tất cả các loại đều phù hợp cho các phụ nữ ung thư vú.
Viên thuốc tránh thai ít khi được khuyên dùng sau chẩn đoán ung thư vú, vì các chất nội tiết trong thuốc tránh thai có thể thúc đẩy bất kỳ tế bào ung thư vú nào còn lại phát triển. Tuy nhiên có thể dùng viên thuốc tránh thai khẩn cấp do nó là một liều đơn và nhiều khả năng không ảnh hưởng tới ung thư vú. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ mối lo ngại nào.