Điều trị viêm phế quản cấp như thế nào? Có nên điều trị tại nhà không?

QN
18/03/2020 - 14:40
Điều trị viêm phế quản cấp như thế nào? Có nên điều trị tại nhà không?
Viêm phế quản cấp tính là bệnh lý thường xuyên xảy ra ở đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng viêm cấp tính niêm mạc phế quản. Điều trị viêm phế quản cấp sẽ khiến bệnh bị đẩy lui nhanh chóng và không để lại các di chứng về sau.

Viêm phế quản cấp tính là bệnh lý thường xảy ra ở đường hô hấp, tổn thương đặc trưng của bệnh là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc phế quản ở người bình thường không có các tổn thương trước đó.

Viêm phế quản cấp tính thường do nguyên nhân virusvi khuẩn gây nên, tuy nhiên virus là nguyên nhân thường gặp hơn chiếm đến khoảng 90% các trường hợp mắc bệnh.

1. Các phương pháp điều trị viêm phế quản cấp

Do nguyên nhân phần lớn gây nên viêm phế quản cấp là virus, vì vậy ở người lớn mắc viêm phế quản cấp đơn thuần hầu hết có thể tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu cho nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị viêm phế quản cấp chủ yếu là điều trị nâng đỡ thể trạng của bệnh nhân và điều trị để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

- Điều trị nâng đỡ thể chất: Khi điều trị viêm phế quản cấp, điều trị nâng đỡ thể chất cho người bệnh là một khâu quan trọng để cải thiện sức đề kháng cho bệnh nhân. Người bệnh nên được nghỉ ngơi nhiều hơn, tăng cường bổ sung dinh dưỡng, nước và các loại vitamin.

Ảnh 2.

Tăng cường bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng để cải thiện sức đề kháng cho người bệnh (Ảnh: Internet)

- Giảm ho, long đờm: Ho và khạc đờm là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm phế quản cấp. Do đó, trong quá trình điều trị người bệnh có thể được sử dụng một số loại thuốc giảm ho (terpin codein, dextromethorphan) và các thuốc long đờm (acetyl cistein) để làm giảm nhẹ các triệu chứng trên.

  • Tham khảo thêm

    10 cách đơn giản giúp giảm ho nhanh

- Giãn phế quản: Nếu bệnh nhân có tình trạng co thắt phế quản xảy ra thì trong quá trình điều trị viêm phế quản cấp có thể được cho sử dụng thêm các loại thuốc giãn phế quản như salbutamol,... Thuốc giãn phế quản có thể sử dụng ở dạng xịt, dạng khí dung hoặc dạng thuốc uống.

- Điều trị kháng sinh: Do nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp hay gặp là virus nên việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản cấp không quá có nhiều ý nghĩa và không thường được dùng. Kháng sinh chỉ dược chỉ định cho bệnh nhân trong một số trường hợp nhất định như ho khạc trên 7 ngày, ho khạc đờm mủ, bệnh ở người có suy tim, ung thư,...

Các loại kháng sinh thường được dùng trên bệnh nhân trong quá trình điều trị viêm phế quản cấp là các kháng sinh nhóm betalactam (ampicilin, amoxicilin), kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1(cephalexin), hoặc kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin,...).

Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản cấp cần được tiến hành thận trọng bởi bác sĩ chuyên khoa dựa trên đặc tính vi khuẩn và tính hình kháng thuốc của địa phương.Tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi gây hiện tượng kháng kháng sinh và gây các tác dụng không mong muốn do thuốc trên người bệnh.

2. Những lưu ý cần nhớ khi điều trị viêm phế quản cấp

Trên cơ bản nếu bệnh nhân tuân thủ tốt các chỉ định điều trị của bác sĩ đã đưa ra thì vấn đề hồi phục sau khi điều trị viêm phế quản cấp có tiên lượng tốt. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả điều trị viêm phế quản cấp và làm giảm nhẹ ảnh hưởng của bệnh đến bệnh nhân thì người bệnh nên lưu ý một số điểm sau đây:

- Tránh các chất kích thích: Khi điều trị viêm phế quản cấp bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với các loại chất kích thích có hại cho cơ thể (đặc biệt là đường hô hấp) như khói thuốc lá, hóa chất (sơn, chất tẩy rửa) và môi trường có nhiều bụi bặm.

- Giữ môi trường xung quanh có độ ẩm cao: Người bệnh khi điều trị viêm phế quản cấp thường được khuyên nên ở trong môi trường có độ ẩm cao. Tuy nhiên độ ẩm cao cũng là điều kiện tốt để vi khuẩn phát triển, do đó cần đề phòng nguy cơ bội nhiễm thứ phát cho người bệnh.

- Giữ âm cơ thể: Nhiệt độ lạnh có thể làm bệnh nhân ho nhiều hơn. Do đó khi điều trị viêm phế quản cấp thì bệnh nhân cần lưu ý giữ ấm cho cơ thể đặc biệt là vùng đầu, mặt, cổ,... tốt nhất nên bịt khẩu trang khi ra ngoài để tránh không khí lạnh đi vào đường hô hấp kích thích phản xạ ho.

- Thở sâu hơn: Khi bị viêm phế quản cấp người bệnh thường có xu hướng thở nhanh và thở nông hơn, điều này là không tốt. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý thở sâu hơn để có thể đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho cơ thể.

Ảnh 5.

Hít thở sâu để đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ thể (Ảnh: Internet)

3. Có thể điều trị viêm phế quản cấp tại nhà không?

Như chúng ta đã biết, viêm phế quản cấp là bệnh thường do nguyên nhân virus gây nên và có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị căn nguyên gây bệnh. Do đó, việc điều trị viêm phế quản cấp tại nhà là điều hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị viêm phế quản cấp tại nhà thì người bệnh và người nhà cũng cần lưu ý một số đặc điểm của bệnh để có thể đến bệnh viện kịp thời khi cần thiết. Những triệu chứng của bệnh thể hiện bệnh nhân nên được đưa đến bệnh viện như:

- Ho kéo dài hơn 3 tuần không khỏi.

- Sốt cao, nhiệt độ cơ thể lớn hơn 38,5oC.

- Khó thở nhiều.

- Đờm chuyển thành màu vàng, màu xanh, màu đục,...

- Đờm có lẫn máu, ho ra máu,...

Có thể thấy rằng, trên cơ bản việc điều trị viêm phế quản cấp không quá phức tạp. Tuy nhiên, khi mắc bệnh người bệnh không nên chủ quan và tự ý áp dụng các phương pháp điều trị viêm phế quản cấp khi chưa có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm