Điều ước cuối đời của cha

23/10/2015 - 15:01
Hãy nói lời yêu thương và ôm cha mẹ mình ngay khi còn có thể.

Cha tôi tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, vào Đảng năm 20 tuổi, quãng thời gian đẹp nhất của đời người ông đã cống hiến cho 2 cuộc kháng chiến cứu nước, trên người ông còn giữ lại nhiều vết thương của một thời ác liệt bom đạn chiến tranh. Gần 40 tuổi, ông tốt nghiệp đại học và giảng dạy, là Phó chủ nhiệm khoa Vô tuyến Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, đến hiệu phó, hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy một vài trường Đại học.

Thời chiến tranh, Hà Nội thực phẩm tem phiếu khan hiếm, buổi sáng, ông dậy sớm đi xếp hàng mua 2 cái bánh mì ngọt cho mấy chị em ăn đi học rồi mới đi làm. Bữa cơm ít thịt nhiều rau, ông nhường hết phần thịt ít ỏi cho chị em tôi, ngồi nhìn các con ăn và cười hạnh phúc.

Có một lần chiều hè nóng nực, ông đi làm về sớm hơn mọi ngày. Thì ra trên xe đạp, ông chở một cục nước đá trong vắt như pha lê xin được ở phòng thí nghiệm khoa Hóa về cho chị em tôi. Tôi lần đầu tiên được chạm vào nước đá: “Ôi đẹp và lạnh quá! Có ăn được không ba?”. “Ăn được chứ! Ngon lắm!”. Thế là ông nói má tôi tìm chìa khóa mở tủ chạn bếp lấy ra lọ đường (rất hiếm khi chúng tôi được ăn đường) và đập đá trộn đường cho vào cái tô. Hai chị em nhai nước đá rau ráu và cảm nhận vị ngọt mát lạnh chưa từng có của nước đá, mắt sáng long lanh. Đó là ký ức cảm nhận đầu tiên của tôi về nước đá là rất ngọt và ngon. Sau này, cũng vì vậy, tôi đã bị điểm kém trong bài kiểm tra hồi cấp hai khi trả lời “Nước đá có vị rất ngọt”.

Thỉnh thoảng cuối tuần, ông đèo hai chị em tôi bằng xe đạp từ phố Bạch Mai lên Bờ Hồ xếp hàng mua kem Tràng Tiền. Cây kem hồi đó có hình khía, trên ngọt dưới mặn rất ngon. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông chỉ mua có 2 que kem thôi. Tôi hỏi, ông nói: “Ba đã ăn hôm qua rồi”. Tôi vô tư ăn hết que kem ngon lành và sau này mới hiểu, ông chỉ có đủ tiền mua 2 que kem cho chị em tôi thôi.  

Trời Hà Nội mùa hè nóng nực, nhà có mỗi một cái quạt tai voi, ông nhường cho chị em tôi. Ông rất thích xem bộ phim “17 khoảnh khắc của mùa xuân”,  “Thép đã tôi thế đấy”, “Trên từng cây số “ được chiếu trên truyền hình Hà Nội mỗi tối thứ tư, thứ bảy.

Tôi còn nhớ năm 1972, trong những ngày khói lửa 12 ngày đêm bom B52 rải thảm cày xới Hà Nội, sau khi chở chị em tôi bằng xe đạp vượt gần trăm cây số đi sơ tán đến nơi an toàn, ông liền quay về Hà Nội ngay trong đêm để tham gia bảo vệ đê, chống lũ lụt. Hai chị em ngồi trên nóc hầm chữa A nơi sơ tán nhìn về Hà Nội buổi tối thấy ánh chớp bom rền hòa cùng rừng đạn phòng không bay lên sáng rực trên bầu trời như đêm hoa đăng tỏa sáng cả một vùng trời. Lúc ấy, chúng tôi chưa hề biết lo lắng cho cha đang ở giữa tâm điểm của cuộc thảm sát bằng bom đạn dữ dội chưa từng có của cuộc chiến tranh.

Gần đây, sau lễ thượng thọ đầu tiên, tôi tặng ông một cái Ipad thay cho cái máy tính dùng lâu đã cũ, để ông đọc tin tức thay báo, từ đó ông tự tìm hiểu nhiều điều mà không in trên mặt báo. Ông luôn có một niềm tin sắt đá vào con đường ông đã chọn suốt cuộc đời, rất yêu nước, giàu lòng trắc ẩn, thương người.

Trước kia, ông đã từ chối đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô vì cuộc chiến tranh chưa kết thúc. Năm 1975 về Nam, ông đã từ chối nhận căn nhà được cấp mà ở lại văn phòng để nhường nhà cho các đồng chí khác. Có những lần bàn ghế ở cơ quan hư, ông xin kinh phí không được, đã tạm ứng lương để sửa lại.

Sau này, tiền lương hưu của ông luôn để dành giúp những người đồng đội gặp khó khăn. Có lúc ông không nói với tôi mà âm thầm đi mượn tiền để giúp. Ông luôn cười, khôi hài và sống rất lạc quan, truyền cảm hứng cho mọi người, nhưng mỗi khi đọc hay biết tin về những người làm những việc có hại, những điều không tốt cho đất nước, cho người dân, ông luôn trầm ngâm, suy tư, vẻ đau lòng thể hiện rõ trên nét mặt.

Những đêm mưa, trở trời, ông thường khó ngủ. Tôi hỏi nguyên do, ông nói, vết thương do bom đạn không đau đớn bằng vết thương do con người tạo ra. Lần đọc lá thư 11 trang của anh Khôi trong nhà tù Đồng Găng gửi ra, ông đã khóc, hỏi thăm và lo lắng cho số phận người tù khác biệt này. Khi xem đoạn clip Trung Quốc thảm sát dã man 64 chiến sĩ Gạc Ma trên You Tube, ông bàng hoàng xúc động, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má: “Con làm được gì thì con hãy làm cho các liệt sĩ đó đi con”. Từ đó, ý tưởng tổ chức vẽ và đấu giá bức tranh “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” để giúp 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma hình thành trong tôi.

Ngày đấu giá và tổ chức đại lễ tưởng niệm cầu siêu cho các liệt sĩ Gạc Ma ở chùa Vĩnh Nghiêm thành công, tôi chạy như bay vào phòng hồi sức bệnh viện, xin phép bác sĩ mở đoạn clip tường thuật đại lễ của VTV cho ông nghe. Dù đang thở máy, không nói được, nhưng gương mặt ông giãn ra, nhẹ nhàng hẳn và biểu lộ một niềm vui. Bàn tay ông xiết chặt tay tôi lạ thường, giọt nước mắt ứa ra trên đôi mắt tuổi già trên giường bệnh của ông đã lan qua tôi, sâu lắng, nín lặng, không lời.

Lúc ông mất đi, lúc đọc điếu văn, tôi mới biết ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp giáo dục… và mới biết bí danh hồi hoạt động cách mạng của ông, điều mà ông chưa từng kể cho con cháu và mọi người nghe bao giờ.

Từ ngày cha tôi lâm trọng bệnh và mất, tôi luôn mang theo mình một nỗi ân hận. Là tôi luôn nghĩ cha mình đang khỏe mạnh, chắc sẽ sống lâu hơn nên tôi dù quan tâm, trò chuyện với ông, đưa ông đi nơi này nơi khác, nhưng chưa một lần tôi ôm ông trong vòng tay và nói: “Ba ơi! Con yêu thương ba lắm!”. Tôi chỉ kịp nói được điều đó trong phòng hồi sức cấp cứu khi ông đã rất yếu, không còn nói được và nói được lời xin lỗi trước lúc hạ huyệt ông ở nghĩa trang thành phố. Các bạn ơi! Đừng chủ quan và mắc lỗi lầm như tôi - hãy nói lời yêu thương và ôm cha mẹ mình ngay khi còn có thể!


Nhà lão thành Cách mạng Nguyễn Hoàng lúc còn trẻ.

Tác giả Nguyễn Văn Phước là giám đốc công ty Văn hóa và Sáng tạo Trí Việt - First News, đơn vị xuất bản sách nổi tiếng, trong đó có tủ sách Hạt giống tâm hồn. Cha của anh, lão thành cách mạng Nguyễn Hoàng, sinh năm 1929, vừa qua đời tháng 9/2015.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm