Định hướng truyền thông thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới thế nào?

Hoàng Đan
10/12/2024 - 08:14
Định hướng truyền thông thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới thế nào?

Truyền thông cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở Đăk Lăk. Ảnh: PV

Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Hội LHPN Việt Nam ban hành nhằm vận động xã hội thay đổi “nếp nghĩa, cách làm”, góp phần thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Hỏi: Tôi tham gia tổ truyền thông cộng đồng tại cơ sở. Nơi chúng tôi sống vẫn còn tồn tại những quan niệm thể hiện rõ sự bất bình đẳng giới. Vậy làm thế nào để đưa những nội dung truyền thông từng bước làm thay đổi định kiến cũng như quan niệm bất bình đẳng giữa nam và nữ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dân địa phương?

H'Chanh (Đắk Đoa, Gia Lai)

Trả lời

Năm 2023, Hội LHPN Việt Nam ban hành Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2023 – 2025 nhằm định hướng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, tập trung truyền thông xoá bỏ một số định kiến, khuôn mẫu giới phổ biến; tăng cường sự tham gia của nam giới cùng thực hiện và chia sẻ vai trò chăm sóc, vai trò kinh tế và cùng ra quyết định trong gia đình với phụ nữ là một trong những định hướng quan trọng của chiến lược truyền thông.

Chiến lược đưa ra một số định hướng cụ thể cho công tác truyền thông nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, cụ thể:

Truyền thống về bình đẳng giới trong gia đình

+ Tuyên truyền để nam giới, phụ nữ và các thành viên khác cùng chia sẻ việc nhà: Thay đổi quan niệm cho rằng, việc nhà và vai trò chăm sóc là trách nhiệm của riêng phụ nữ. Chia sẻ việc nhà là trách nhiệm chung của các thành viên trong gia đình để không tạo ra gánh nặng và áp lực cho riêng mình ai. Đảm bảo các thành viên gia đình, đặc biệt là phụ nữ đều có thời gian, cơ hội được học tập, nâng cao trình độ, nhận thức, tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp, được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khoẻ, cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân và cả gia đình.

+ Tuyên truyền để phụ nữ và nam giới cùng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, tạo ra thu nhập cho gia đình: Thay đổi quan niệm cho rằng, nam giới phải đóng vai trò trụ cột kinh tế, tạo ra áp lực cho nam giới và lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế từ phụ nữ. Tuyên truyền, khuyến khích để phụ nữ tích cực, chủ động, tự tin tham gia vào các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhằm phát huy vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình, tạo mối quan hệ bình đẳng hơn giữa phụ nữ và nam giới trong các hoạt động tạo thu nhập.

+ Tuyên truyền nâng cao tiếng nói, vị thế của phụ nữ trong các quyết định của gia đình: Thay đổi quan niệm cho rằng, nam giới là trụ cột, là người có tiếng nói quyết định trong gia đình. Cần nhấn mạnh, phụ nữ và nam giới có vị trí ngang bằng nhau, đều có trách nhiệm đóng góp xây dựng gia đình như nhau và đều tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của con cái và các thành viên khác. Do đó, cùng ra quyết định đối với các vấn đề của gia đình chính là phát huy sự chung sức, đồng lòng, sức mạnh của các thành viên để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Định hướng truyền thông thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới thế nào?- Ảnh 1.

Truyền thông cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở Đăk Lăk. Ảnh: PV

 

Tuyên truyền về bình đẳng giới trong cộng đồng

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự ghi nhận của cộng đồng về khả năng, sự đóng góp quan trọng của phụ nữ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội: Thay đổi quan niệm cho rằng, phụ nữ chỉ làm tốt vai trò nội trợ, chăm sóc trong gia đình và không làm chủ kinh tế. Tuyên truyền, khuyến khích để phụ nữ tích cực khởi nghiệp, tham gia vào các mô hình sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác tạo ra thu nhập cho gia đình, đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo mối quan hệ bình đẳng hơn giữa phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực kinh tế. Tuyên truyền về những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi trong đồng bào DTTS để lan toả, truyền cảm hứng cho phụ nữ và dần thay đổi quan niệm của cộng đồng về khả năng, sự đóng góp của phụ nữ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng đối với sự tham gia của phụ nữ vào các quyết định và các vị trí lãnh đạo. Thay đổi quan niệm cho rằng, lãnh đạo là vai trò của nam giới. Khuyến khích để phụ nữ tích cực học tập, tràu dồi kiến thức, kỹ năng, tự tin đóng góp tiếng nói, quan điểm của của mình vào các vấn đề của cộng đồng, xã hội. Lan toả tinh thần phụ nữ ủng hộ phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Tuyên truyền về gương phụ nữ DTTS tiêu biểu, phụ nữ làm lãnh đạo, phụ nữ có ảnh hưởng nhằm truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác, đồng thời giúp xã hội có cái nhìn đúng đắn, ghi nhận và ủng hộ nhiều hơn khi phụ nữ tham gia chính trị và các vị trí lãnh đạo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm