Đồ ăn nhanh là nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm ở tuổi trưởng thành

04/06/2019 - 08:06
Nhiều thống kê đã cho thấy, trẻ em ăn thức ăn nhanh, đồ ngọt, ăn vặt không chỉ tăng mắc bệnh răng miệng mà còn tăng mắc thừa cân, béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm ở tuổi trưởng thành, trong đó có các bệnh về răng miệng.
Em Nguyễn Nhật Minh (11 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) tuy đã thay gần hết răng nhưng răng mới vẫn bị xỉn, có nhiều chiếc bị đen, bị ăn mòn trông rất xấu. Chị Khuyên, mẹ của Nhật Minh cho rằng, sau khi thay răng mà răng của con vẫn bị xỉn như vậy là do men răng. Trước khi thay răng, răng của Minh cũng bị đen, xỉn và bị ăn mòn không còn hình thù gì.
 
 
img_2923_1600x1067.JPG
TS.BS chuyên khoa 2 Vũ Anh Dũng, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình đang khám cho bệnh nhân
 
 
Chị Khuyên nhắc con thường xuyên đánh răng ngày 2 lần nhưng tình hình cũng không cải thiện được là bao, 2 chiếc răng cửa mòn vẹt như sắp biến mất khiến chị Khuyên lo lắng. Khi đi khám, bác sỹ cho biết, răng con chị bị hỏng là do chế độ ăn của trẻ. Chị Khuyên thừa nhận từ bé thường xuyên cho Minh ăn quà vặt, bánh kẹo, đồ ăn nhanh. Tuy nhiên chị chưa hiểu tại sao những đồ ăn đó lại có tác động xấu đến răng của con như vậy.
 
TS.BS chuyên khoa 2 Vũ Anh Dũng, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình cho biết, chế độ khẩu phần ăn, cách thức chế biến và tần suất sử dụng món ăn nhiều đường của mỗi cá thể có liên liên quan trực tiếp đến bệnh sâu răng. Nguy cơ sâu răng sẽ tăng cao hơn ở những cá thể thường xuyên sử dụng các món ăn nhanh, ăn ngọt, ăn vặt.
 
Bình thường thì chỉ sau vài giây, trên bề mặt men răng sạch trong môi trường miệng sẽ được bao phủ một lớp màng dính glycoprotein có nguồn gốc từ nước bọt. Khoảng hơn 2 tiếng sau thì các cầu khuẩn, mà 95% là cầu khuẩn Streptococcus bắt đầu bám trên màng dính này, trong đó chủng vi khuẩn Streptococcus mutans trên mảng bám ở bề mặt răng là mầm bệnh có khả năng gây sâu răng cao nhất.
 
Men amylaza có trong nước bọt đã nhanh chóng giúp thủy phân tinh bột thành đường, các chất đường từ thức ăn sẽ nhanh chóng khuyếch tán vào mảng bám, được vi khuẩn chuyển hoá thành acid (chủ yếu là acid lactic, ngoài ra còn có acid acetic và acid propionic). Do vậy pH của mảng bám có thể giảm xuống tới pH = 2 ngay sau 10 phút ăn đường, mật độ tập trung cao của vi khuẩn trên mảng bám làm pH của mảng bám trên răng giảm xuống nhanh chóng.
 
Bình thường, sau khoảng 30- 60 phút, pH mảng bám quay trở về pH ban đầu do nước bọt trung hòa pH acid của mảng bám và có hiện tượng tái khoáng (tái hấp thu ion Canxi) vào men răng. Nếu mảng bám trên răng có pH < 5,5 thì sẽ gây hiện tượng mất khoáng (mất ion Canxi) của men răng.
 
Đối với trẻ em hay ăn vặt, ăn nhiều đường và đồ ăn nhanh như cháu Nguyễn Nhật Minh đã làm cho hàm lượng đường khuyếch tán vào mảng bám nhanh và tồn dư nhiều gấp bội trên bề mặt men răng so với bữa ăn thông thường làm cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn trên bề mặt men răng gây hiện tượng mất khoáng mạnh. Hiện tượng mất khoáng xảy ra liên tục lớn hơn hiện tượng tái khoáng sẽ hình thành lỗ sâu răng rất nhanh chóng.
 
Nhiều thống kê đã cho thấy, trẻ em ăn thức ăn nhanh, đồ ngọt, ăn vặt không chỉ tăng mắc bệnh răng miệng mà còn tăng mắc thừa cân, béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh nguy hiểm ở tuổi trưởng thành.
 
Chính vì vậy mà các bậc cha mẹ nên đưa trẻ em đến bác sỹ khám, tư vấn điều trị ngay khi trẻ em mới có dấu hiệu đầu tiên của đau răng, sâu răng, sún răng...
 
Cha mẹ không những cần chú ý giảm ngay việc cho trẻ em ăn thức ăn nhanh, đồ ngọt, ăn vặt mà chúng ta cần thường xuyên cho trẻ em ăn nhiều rau củ, quả chín ít ngọt. Đây là những thực phẩm mang tính kiềm không chỉ tốt cho việc bảo vệ răng miệng mà còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm