pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đo chức năng hô hấp trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- 1. Ý nghĩa của đo chức năng hô hấp đối với bệnh nhân COPD
- 2. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đo chức năng hô hấp
- 3. Các thông số trong đo chức năng hô hấp và ý nghĩa
- 4. Phân độ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính theo kết quả đo chức năng hô hấp
- 5. Những yếu tố làm sai lệch kết quả và các chống chỉ định của đo chức năng hô hấp
- 5.1. Các yếu tố làm sai lệch kết quả đo
- 5.2. Các chống chỉ định của đo chức năng hô hấp
Trong các xét nghiệm được sử dụng để đánh giá bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xét nghiệm đo chức năng hô hấp là một xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trên thực tế.
1. Ý nghĩa của đo chức năng hô hấp đối với bệnh nhân COPD
Phương pháp đo chức năng hô hấp có thể thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn khảo sát và mục đích khảo sát.
- Đánh giá sớm các rối loạn thông khí ở bệnh nhân
Đo chức năng hô hấp định kỳ ở những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao như người hút thuốc lá, người làm việc trong các môi trường ô nhiễm, người mắc các bệnh phổi mãn tính khác,... sẽ giúp đánh giá các rối loạn thông khí ngay từ các giai đoạn sớm chưa có biểu hiện lâm sàng. Điều này sẽ giúp tầm soát và sàng lọc sớm các đối tượng và có phương pháp quản lý thích hợp.
- Chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có đặc trưng là sự viêm, tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, từ đó gây nên các biểu hiện lâm sàng khác nhau như khó thở, ho khạc đờm kéo dài,... Do vậy, với các rối loạn thông khí được thể hiện trên kết quả đo chức năng hô hấp, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính một cách chính xác và đánh giá được mức độ, giai đoạn của bệnh.
>> Hướng dẫn nhận biết nhanh một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác
Đo chức năng hô hấp ở người bệnh kết hợp với sử dụng thuốc giãn phế quản trước đó còn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt được bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với các bệnh lý có biểu hiện tương tự, đặc biệt là hen phế quản.
2. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đo chức năng hô hấp?
Mặc dù là kỹ thuật không quá phức tạp về quy trình thực hiện, tuy nhiên để đảm bảo kết quả đo chính xác thì người bệnh cũng cần thực hiện tốt một số chuẩn bị sau đây:
- Mặc quần áo rộng rãi: Người bệnh nên mặc các loại quần áo rộng rãi và thoải mái khi thực hiện đo chức năng hô hấp, tránh sử dụng quần áo có kích thước quá nhỏ hoặc bó chặt sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hít và thở tối đa khi đo.
- Ngưng hút thuốc và sử dụng rượu: Khi được chỉ định đo chức năng hô hấp, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngưng hút thuốc ít nhất 30 phút và ngưng sử dụng rượu ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện kỹ thuật để đảm bảo cho kết quả đo chính xác nhất.
- Tránh vận động nặng: Vận động nặng quá sức trước khi thực hiện kỹ thuật đo có thể làm thay đổi nhu cầu oxi của cơ thể, thay đổi các đặc trưng trong hô hấp của bệnh nhân (nhịp thở, lưu lượng thở,...) do đó có khả năng khiến cho kết quả đo có mức độ sai số lớn. Việc ngưng các hoạt động gắng sức nên được diễn ra trong 30 phút trước khi thực hiện kỹ thuật.
- Không ăn no: Không ăn no trước 2 tiếng trước khi đo chức năng hô hấp là điều mà bệnh nhân sẽ được yêu cầu. Ăn quá no ngay gần thời điểm đo sẽ khiến cơ hoành không thể hạ xuống thấp nhất do bị dạ dày đang chứa đầy thức ăn cản trở, vì vậy làm cho phổi không thể giãn nở hết mức. Điều này làm sai lệch kết quả đo.
- Ngưng các thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản sẽ làm cải thiện khả năng thông khí ở bệnh nhân do giúp mở rộng khẩu kính của các phế quản trong phổi. Nếu bệnh nhân sử dụng các thuốc giãn phế quản quá gần thời điểm do, dưới tác dụng của thuốc sẽ làm gia tăng giả tạo các kết quả của phép đo, từ đó gây sai lệch trong chẩn đoán. Những thuốc giãn phế quản nên được ngưng sử dụng 4h và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài nên được ngưng sử dụng ít nhất 12h trước khi đo.
3. Các thông số trong đo chức năng hô hấp và ý nghĩa
Xét nghiệm đo chức năng hô hấp ở người bệnh COPD có thể cho ra nhiều thông số kết quả khác nhau, các thông số thường được quan tâm bao gồm:
- VC: Dung tích sống (VC) là thể tích khí mà người bệnh hít vào hay thở ra hết sức, sự giảm dung tích sống lớn hơn 20% so với dung tích sống lý thuyết thì được coi là bệnh lý. Trong COPD, người ta thường quan tâm nhiều đến chỉ số dung tích sống gắng sức (FVC) là kết quả khi hít vào hoặc thở ra nhanh, mạnh và hết sức và thông thường thì giá trị của FVC sẽ bằng giá trị của VC.
- FEV1: Thể tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên (FEV1) cũng là chỉ số được quan tâm nhiều trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chỉ số này cho phép đánh giá đường thở của người bệnh có thông thoáng hay không, có bị cản trở thông khí hay không. Do đó, nó là một trong các tiêu chuẩn được sử dụng để chẩn đoán và phân độ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Tỷ số Tiffeneau: Được tính bằng công thức FEV1/VC, chỉ số Tiffeneau có ý nghĩa giúp đánh giá mức độ co giãn của hệ hô hấp và tình trạng thông thoáng của đường dẫn khí. Do FVC thường có giá trị bằng VC nên người ta hay sử dụng tỷ số FEV1/FVC để làm giá trị của tỷ số Tifeneau.
Ngoài ra, trong kết quả đo chức năng hô hấp người ta còn có thể ghi nhận một số các chỉ số khác kể đến như thể tích khí lưu thông, thể tích khí dự trữ hít vào, thể tích khí dự trữ thở ra, thể tích khí dự trữ hít vào, thể tích khí cặn, thông khí phút tối đa,...
4. Phân độ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính theo kết quả đo chức năng hô hấp
Theo chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease - GOLD), thì người ta phân độ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính theo kết quả đo chức năng hô hấp kèm theo một số yếu tố khác như sau:
Giai đoạn 1: FEV1/FVC<70% và giá trị FEV1 < 80% giá trị theo lý thuyết. Người bệnh có thể có hoặc không có các biểu hiện của bệnh.
Giai đoạn 2: FEV1/FVC <70% và giá trị 50% <FEV1 < 80% giá trị theo lý thuyết. Người bệnh hay có các biểu hiện lâm sàng của bệnh.
Giai đoạn 3: FEV1/FVC < 70% và giá trị 30% < FEV1 <80% giá trị theo lý thuyết và người bệnh thường xuyên có các biểu hiện của bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống.
Giai đoạn 4: FEV1/FVC < 70% và giá trị FEV1<30%. Bệnh nhân bị ảnh hưởng cuộc sống nặng nề và thậm chí có thể tử vong.
5. Những yếu tố làm sai lệch kết quả và các chống chỉ định của đo chức năng hô hấp
5.1. Các yếu tố làm sai lệch kết quả đo
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật, một số yếu tố từ cả phía nhân viên y tế và bệnh nhân nếu không được kiểm soát tốt thì có thể dẫn đến sự sai lệch trong kết quả đo chức năng hô hấp.
- Các yếu tố liên quan đến thầy thuốc: Nhưng sai sót liên quan đến thầy thuốc như không thông thạo kỹ thuật đo, máy móc không được bảo trì thường xuyên và không thực hiện hướng dẫn bệnh nhân tốt,... có thể sẽ dẫn đến đo chức năng hô hấp không chính xác.
- Các yếu tố liên quan đến bệnh nhân: Người bệnh không đúng tư thế, hít vào và thở ra không hết sức, ho hoặc nói chuyện khi đo, ngậm ống thổi không kín,... cũng là những yếu tố khiến cho kết quả bị sai lệch.
5.2. Các chống chỉ định của đo chức năng hô hấp
Trong một số trường hợp, đo chức năng hô hấp trên bệnh nhân dù có ý nghĩa tương đối nhưng lại đem đến nhiều nguy cơ biến chứng nặng nề, lớn hơn rất nhiều so với ý nghĩa mà nó mang lại. Do đó, đo chức năng hô hấp bị chống chỉ định cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang ở trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Nhiễm trùng cấp tính tại đường hô hấp hoặc ho ra máu chưa rõ nguyên nhân.
- Bệnh nhân mắc hội chứng vành cấp, phình động mạch chủ hoặc đau ngực không rõ nguyên nhân.
- Bệnh nhân mới phẫu thuật bụng hay lồng ngực.
Qua đó có thể thấy rằng, đo chức năng hô hấp là một xét nghiệm hết sức có giá trị trong sàng lọc, chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt và phân độ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Vì vậy, đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh và bệnh nhân, việc đo chức năng hô hấp nên được tiến hành định kỳ để theo dõi sớm các rối loạn thông khí và sự tiến triển của các rối loạn này nếu có.