pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dở khóc dở cười với loạt tình huống phỏng vấn xin việc
Thời buổi cạnh tranh cao, sinh viên ra trường “ào ào” nên bộ phận tuyển dụng ở các công ty đã nghĩ ra không ít các màn phỏng vấn thật “độc lạ” nhằm sàng lọc để tìm ứng viên phù hợp nhất, điển hình nhất là các câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên, nói là “độc lạ” nhưng tính hiệu quả thì… chưa chắc, thậm chí có khi còn phản tác dụng khiến cho người xin việc phải “bỏ của chạy lấy người”.
Minh chứng cho vấn đề trên, mới đây, một nàng công sở trẻ tuổi đã đăng đàn chia sẻ loạt tình huống phỏng vấn xin việc đầy oái oăm mà bản thân đã trải qua trong suốt 1 năm qua như sau:
Mình ra trường được một năm rồi. Cũng đã nhảy qua 3 công ty và giờ đang tiếp tục hành trình tìm việc làm. Trong quá trình xin việc, nhiều khi mình gặp những tình huống rất khó tả. Mình xin chia sẻ với mọi người.
Tình huống 1: Chị phỏng vấn hỏi khó, ứng viên "hạ màn" bằng cú bật nảy lửa
Mình tới phỏng vấn vị trí nhân viên văn phòng không yêu cầu kinh nghiệm cho một công ty nội thất. Mô tả công việc ghi: Xác nhận thông tin khách hàng, xếp lịch làm việc cho thi công, chấm công (sẽ được đào tạo). Khi mình tới phỏng vấn, chị quản lý hỏi: "Bây giờ nếu như nhân viên nhận tới làm cho khách rồi mà báo nghỉ đột xuất thì em sẽ làm như thế nào?".
Mình tự tin trả lời: "Em cũng chưa biết quy định ở công ty mình như thế nào, nhưng theo em thì công ty nên có quy định là nếu nhân viên muốn nghỉ phải tự mình liên hệ với nhân viên khác để nhờ làm thay.
Trường hợp không thể nhờ ai được thì mới gọi điện báo cho mình, tất nhiên là sẽ bị phạt một chút như trừ vào lương. Em sẽ xem lại lịch làm việc của nhân viên, nếu như ai không có lịch làm việc của ngày hôm đó em sẽ gọi điện nhờ làm thay. Và tiền phạt của bạn kia sẽ được cộng thêm cho bạn này".
Xong chị ấy lại hỏi: "Nếu người ta không đồng ý làm thay thì sao? Người ta không quan tâm đến lương thưởng thì sao? Em không tìm được người làm thay thì sao?". Mình không biết phải nói thế nào nữa.
Vẫn ở công ty đó, chị ấy lại hỏi: "Nếu như lịch thi công bị dồn vào cuối tuần, không đủ nhân lực làm việc, em phải gọi điện để thuyết phục khách hàng đổi ngày thi công. Em sẽ nói như thế nào?”.
Lúc đó em chưa nghĩ ra, mới chỉ cười cười rồi vu vơ nói một câu: "Ngày trước em làm trung tâm tiếng Anh thì việc đổi lịch học cho các bạn sinh viên cũng khá đơn giản chứ nếu thương lượng đổi lịch thi công cả một căn nhà thì cũng khó đấy ạ".
Mình nghĩ mình chỉ nói dạo trong lúc đang cố nghĩ ra cách và hài hước một chút để giảm không khí thôi, không ngờ chị ấy nghiêm mặt lại rồi nói kiểu: "Chị tuyển nhân viên đến để làm việc khó, không tuyển người đến để làm việc dễ".
Mình cảm thấy vô cùng mất hứng và mình nghĩ rằng mình không hợp với công ty này, chính vì thế, mình cũng nghiêm túc nói lại luôn:
"Nếu chị tuyển người để làm việc khó, chị nên tuyển người có kinh nghiệm. Lúc ngồi chờ ở dưới phòng, em thấy rằng chị cũng đang phải giải quyết vấn đề nhân công nghỉ đột xuất. Nếu như em nghĩ ra được giải pháp cho vấn đề đó, em nghĩ em sẽ ngồi ở vị trí của chị. Cảm ơn chị".
Mình nghĩ rằng mình hơi nóng tính nhưng với mức lương thử việc 3,5 triệu đồng không yêu cầu kinh nghiệm, đòi hỏi gì mà đòi hỏi lắm thế.
Tình huống 2: "Tạch" vì chị trưởng phòng khẳng định "em xứng đáng vào chỗ ngon hơn"
Mình đi phỏng vấn vị trí chăm sóc khách hàng cho một công ty dịch thuật. Công việc là tiếp nhận, trả lời mail của khách hàng và gửi yêu cầu của khách hàng tới các bộ phận cần thiết, tất nhiên là bằng tiếng Anh. Họ cho mình làm bài test dịch một email từ tiếng Anh sang tiếng Việt và 1 email từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Mình dịch xong xuôi ngon nghẻ, gặp chị trưởng phòng chị ấy kêu tiếng Anh của em tốt quá, sao không xin việc công ty nước ngoài. Mình đã giải thích là em thiên về đọc dịch nhiều hơn, nghe nói của em không được tốt lắm nên em chọn công việc bên mình là tiếp xúc khách hàng qua email là vì vậy. Bà ấy vẫn khẳng định em xứng đáng chỗ ngon hơn, thế là tạch.
Tình huống 3: CV quá đẹp, anh Giám đốc "suy nghĩ thêm"
Vị trí tiếp theo mình ứng tuyển là chăm sóc khách hàng cho một công ty chuyển phát hàng hóa. Lương cũng ổn, giờ hành chính, làm gần nhà. Tới nơi anh Giám đốc xuýt xoa một hồi, CV đẹp thế này sao không xin vào,... Mình nghĩ thầm: "Xin được em cũng xin rồi chứ em ngồi đây xin chỗ anh làm gì".
Xong kết luận, CV đẹp thế này không biết có làm lâu dài không. Sau một hồi mình nói là "em cao không tới thấp không xong, các chỗ cứ sợ em không làm lâu dài không nhận em nên giờ em cứ thất nghiệp anh ơi", anh Giám đốc có vẻ mủi lòng, bảo: "Được rồi, anh sẽ nghĩ thêm và báo lại cho em trong vòng 2 ngày tới".
Tình huống 4: Quản lý kho cũng cần tính nghệ sĩ? Xin lỗi chị, em chịu thua!
Mình tới phỏng vấn nhân viên quản lý kho cho một công ty quần áo, được hỏi: "Tại sao em nghỉ công ty cũ?". Mình trả lời: "Do môi trường không phù hợp. Em là dân khối A, công việc trước giờ thì cũng hay làm kiểu lưu trữ hồ sơ, sổ sách, quản lý giấy tờ,... nên nhiều lúc cũng hơi khô khan. Còn công ty cũ của em thì là công ty tổ chức sự kiện, cho nên các bạn nhân viên rất trẻ, và tính cũng khá nghệ sĩ".
Thế bà ấy nói một câu: "Quản lý kho thì cũng cần tính nghệ sĩ đấy". Chị làm như em chưa làm quản lý hồ sơ sổ sách giấy tờ bao giờ ấy. Làm những công việc cần tính cẩn thận, kỹ lưỡng và khoa học như thế mà lại còn nghệ sĩ vào đấy thì lanh tanh bành hết. Công ty cũ tuyển em cũng chỉ vì em không có tính nghệ sĩ, để còn đảm bảo được mọi việc cho họ đấy chị ạ.
Thực sự có nhiều lúc mình thấy mệt mỏi lắm. Nếu như bạn nào có hướng giải quyết cho những tình huống như thế này thì hãy chia sẻ lại với mình để mình rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn sau nhé.