“Đoàn kết, sáng tạo” phát huy sức mạnh mỗi người dân

27/04/2017 - 18:00
Ủy ban TƯ MTTQVN hiệp thương với các tổ chức thành viên tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” nhằm phát huy sức mạnh tổng thể các tầng lớp nhân dân, tổ chức trong hệ thống.
Tọa đàm về việc tổ chức đề án phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”  

Chiều ngày 27/4, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm về việc tổ chức đề án phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”. 

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, phong trào này là đòi hỏi có tính quy luật, xuyên suốt để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua của các ngành, các giới, các địa phương và liên kết các phong trào thi đua này thành phong trào thi đua sáng tạo của cả nước nhằm vào 4 mục tiêu: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi.

Dự kiến phong trào sẽ được phát động ngày 18/5/2017, ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam, lập thành tích chào mừng 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để phong trào có hiệu quả, tạo nên sự thống nhất của các tổ chức chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn được lắng nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành đặc biệt ý kiến của các nhà khoa học trên lĩnh vực xã hội, các chuyên gia trong công tác Mặt trận, đoàn thể.

  Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết (bìa phải) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HH

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết đồng tình với sự cần thiết cần phải có một phong trào chung, thúc đẩy sự sáng tạo, cùng xây dựng và phát triển tổ quốc trong tình hình mới. Khi có phong trào này, thì phong trào của các ngành là cụ thể hóa phong trào đoàn kết sáng tạo.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh tới việc coi trọng chất lượng, hiệu quả của phong trào; cần xây dựng các tiêu chí cụ thể, ngắn gọn để thực hiện. Bên cạnh đó, trong giải pháp thực hiện phong trào, rất cần thể hiện được cơ chế tiếp nhận ý tưởng sáng tạo, để có thể nhân rộng, ứng dụng ý tưởng sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức trong thực tế.

Nhiều đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo của các tổ chức chính trị - xã hội đã góp ý vào Đề án phong trào, trong đó các ý kiến tập trung vào tên của phong trào, nội dung mục tiêu, nhấn mạnh tới chất lượng hiệu quả phong trào; tạo môi trường thuận lợi cho từng cá nhân sáng tạo, cần phải có những hỗ trợ cụ thể, có cơ chế phối hợp giữa các công trình sáng tạo để làm cho ý tưởng sáng tạo đi đến tận cùng của vấn đề; hướng đến giải quyết những vấn đề thực tế của đất nước đang đặt ra.

Theo Đề án, đối tượng tham gia phong trào là mọi người Việt Nam ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ trí thức, doanh nhân và thanh niên Việt Nam cần hưởng ứng phong trào “Đoàn kết sáng tạo”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tạo nên phong trào rộng khắp cả nước.

Phong trào đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: Hoạt động sáng tạo ở các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ quan, các ngành, các giới, các địa phương trở thành phong trào được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người lao động; Kết nối mạnh mẽ các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực trình độ cao với các doanh nghiệp; Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học - công nghệ ở Việt Nam...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm