Doanh nghiệp dệt may rất sợ phải "hy sinh một bộ phận nhỏ để cứu con thuyền lớn không chìm"

Trường Hùng - Hải Hòa
13/09/2020 - 19:40
Doanh nghiệp dệt may rất sợ phải "hy sinh một bộ phận nhỏ để cứu con thuyền lớn không chìm"

Chị Tô Thị Thêm (31 tuổi, huyện Vũ Thư), công nhân bộ phận may túi Công ty TNHH May TexHong Thái Bình

Một công ty dệt may ở Thái Bình với khoảng 80% lao động là nữ, trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên đã phải cắt giảm 700 công nhân. Hiện nay, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn, phải hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, lãnh đạo công ty rất sợ phải tiếp tục cắt giảm nhân công. Doanh nghiệp muốn người lao động đồng hành cùng họ trong lúc khó khăn này.

Liên tiếp những cú sốc

Công ty TNHH May TexHong Thái Bình (Khu công nghiệp Phúc Khánh, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) hiện có số lượng công nhân là 3.700 người. Trong đợt dịch Covid-19 lần trước, công ty đã phải sa thải 700 công nhân. Trước ảnh hưởng của đợt 2 dịch Covid-19, công ty đang đối diện với nguy cơ phải tiếp tục sa thải người lao động.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, đến ngày 25/3, trên địa bàn đã có 233 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong số đó, Công ty TNHH May TexHong Thái Bình bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng đối với 700 công nhân lao động.

Chia sẻ về nguyên do của đợt cắt giảm này, ông Nguyễn Cao Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May TexHong Thái Bình cho biết: "Trước ảnh hưởng của đại dịch, khách hàng đột xuất hủy đơn khiến công ty trở tay không kịp, bị thiệt hại rất lớn. Trong tình cảnh đó, để có thể tiếp tục duy trì, công ty buộc phải cắt giảm 700 người với mục đích để giảm gánh nặng chi phí. Nói một cách hơi buồn, là hy sinh một bộ phận nhỏ để cứu lại một con thuyền lớn khỏi bị chìm". Số công nhân trong đợt cắt giảm trên, chủ yếu là những công nhân mới tuyển, chưa vững tay nghề, có năng suất làm việc hạn chế.

Ông Nguyễn Cao Việt cho biết, trong 3.700 công nhân còn làm việc tại công ty, nữ công nhân chiếm tới 80%. Tuy nhiên, kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam vào tháng 7, 8, khiến cho đơn hàng của tháng 9 rất ít, công suất hiện tại chỉ đạt 50%. Trước tình cảnh này, doanh nghiệp một lần nữa phải đối diện với nguy cơ sa thải người lao động. "Nhưng bây giờ mà cắt nữa là cắt vào máu vào thịt – tức là cắt giảm những công nhân có tay nghề giỏi, những công nhân đã gắn bó với công ty mười mấy năm", ông Nguyễn Cao Việt nói.

Chia sẻ về tình hình công việc ở đây trong thời gian qua, chị Tô Thị Thêm (31 tuổi, huyện Vũ Thư), công nhân bộ phận đóng túi cho biết, chị làm việc ở đây đã được 12 năm, mức lương hiện tại vào khoảng 7-8 triệu/tháng, so với thời điểm trước dịch không bị giảm. Bên cạnh đó, các khoản phúc lợi của chị vẫn được đảm bảo như tiền hỗ trợ xăng xe, tiền thưởng khi đạt năng suất cao.

Trước đó, sau khi ổn định lại sản xuất trước ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ nhất, May TexHong có liên hệ khoảng 50 công nhân – trong số 700 công nhân trước đó bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) quay trở lại làm việc. Ngoài ra, tất cả các công nhân này khi nghỉ việc đều được công ty hỗ trợ mỗi người một tháng lương cơ bản.

Cần sự đồng hành của người lao động

Thông tin từ Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là quãng thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã tác động mạnh mẽ tới tình hình lao động, việc làm. Trong những tháng đầu năm, ghi nhận sự sụt giảm lực lượng lao động, lao động có việc làm và gia tăng số lao động thất nghiệp lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Tháng 4 với cao điểm của dịch bệnh khi cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, 76% doanh nghiệp đã phải cho nhân viên chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc hoặc bố trí làm việc luân phiên. Riêng trong tháng 4 số mất việc làm gần 270 ngàn người (chiếm 40,29% tổng 4 tháng đầu năm), số lao động tạm thời ngừng việc là trên 5 triệu người tăng gần gấp đôi so với tháng 3/2020.

Ông Nguyễn Cao Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May TexHong Thái Bình, trao đổi tình hình công việc với công nhân

Ông Nguyễn Cao Việt (áo cam), Tổng Giám đốc Công ty TNHH May TexHong Thái Bình, trao đổi tình hình công việc với công nhân

Trong 8 tháng đầu năm, dịch Covid-19 cũng đã tác động khá lớn đến tiền lương, thu nhập của người lao động. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 là 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tìm các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại để phấn đấu tăng trưởng dương, giữ ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt là yêu cầu đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập.

Ông Nguyễn Cao Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May TexHong Thái Bình, cho biết: Ứng phó với tình hình trên, công ty sẽ không cắt giảm, tiếp tục duy trì lực lượng công nhân hiện tại. Vào thời điểm không duy trì được nữa (không có nguyên phụ liệu, không có đơn đặt hàng), công ty sẽ xác định khoảng thời gian nào không có việc để đứng ra thương lượng với công nhân – công nhân chấp nhận nghỉ việc không lương nhưng các chính sách về phúc lợi (BHXH) của công nhân vẫn được công ty đảm bảo. Công ty cũng mong rằng, công nhân không đòi hỏi phải đảm bảo quyền lợi như việc yêu cầu phải trả lương đầy đủ. Đây là khó khăn chung, công ty cần sự đồng hành của công nhân để vượt qua.

Song song với đó, May TexHong sẽ cố gắng tìm những đầu mối, đơn hàng, khách hàng mới. Hiện tại, công ty cũng đã tìm được vài ba đầu mối, nhưng đang trong quá trình thương lượng về mẫu mã, giá cả. Công ty cũng xác định vào thời điểm này – chỉ cần có đơn hàng, đủ để phát lương cơ bản, duy trì cuộc sống cho công nhân thì dù công ty có bù lỗ một chút cũng chấp nhận được, còn hơn là việc phải dừng sản xuất, đóng cửa. Bởi đi đến bước đường này, công ty sẽ phải đối diện với những thiệt hại lớn khác như – chảy máu nguồn nhân lực có tay nghề, máy móc bị khấu khao do dừng sản xuất.

"Tháng 9 này, do hưởng dịch bệnh từ tháng trước nên những khó khăn tới đây không thể tránh khỏi. Nhưng kể từ tháng 10, tháng 11, về cơ bản chúng tôi đã có những đầu ra để khôi phục lại sản xuất", ông Nguyễn Cao Việt cho hay.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, số lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 1 triệu lao động. Trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%. Lao động trong nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có tới 13,3% và 12,6% lao động tạm thời phải nghỉ việc không lương; 12,7% và 11,4% lao động bị giảm lương.

Nguồn: Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm