pnvnonline@phunuvietnam.vn
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ pháp lý trong thời gian bao lâu?
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bao gồm hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày được phê duyệt. Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức tổng kết để xây dựng hoặc đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp và nguồn lực của cơ quan, tổ chức.
Triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khoản 1 Điều 13, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định, sau khi chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện.
Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành và công bố công khai kế hoạch triển khai thực hiện trên cổng thông tin điện tử của mình và Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tư pháp.
Căn cứ vào nội dung, nguồn lực của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đề xuất từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1 Điều này. Kinh phí còn lại do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tự chi trả hoặc từ nguồn xã hội hóa, huy động từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thực hiện;
Về trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp có trách nhiệm: Thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước; Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; gửi báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương theo yêu cầu của Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, có trách nhiệm: Phối hợp với các cơ quan nhà nước và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này; Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định có liên quan, trình tự, thủ tục để thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Nghị định này; Thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.