Doanh nghiệp sẽ tự công bố chất lượng thực phẩm qua chế biến

19/09/2017 - 21:20
“Tất cả sản phẩm thực phẩm thông thường đã qua chế biến, có quy chuẩn hay chưa có quy chuẩn thì doanh nghiệp sẽ tự công bố hợp quy”.
_mg_0264.JPG
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc cường

 

Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đưa ra tại hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức chiều ngày 19/9.

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP HCM, cho rằng, đối với phụ gia thực phẩm, cần xây dựng một danh mục chia ra các ngành hàng nào cần công bố. Hơn nữa, hệ thống điện tử của nhiều cơ quan nhà nước còn chập chờn, cần nâng cấp trang điện tử mới đáp ứng được sửa đổi cải cách hành chính.

Nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến cho dự thảo về Công bố hợp quy, thời gian công bố, kiểm tra nhà nước về ATTP...
thuc-pham-sieu-thi-sggp_ofvr.png
Doanh nghiệp sẽ được tự công bố hợp quy nhiều thực phẩm đã qua chế biến

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, sau khi lắng nghe, lấy ý kiến của đại diện các cơ qua, tổ chức, doanh nghiệp, Bộ Y tế cho rằng tất cả các sản phẩm thực phẩm thông thường đã qua chế biến, dù có quy chuẩn hay chưa có quy chuẩn thì doanh nghiệp sẽ tự công bố.

Nếu sau 7 ngày, cơ quan quản lý nhà nước không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến thì hai bên trao đổi, tìm giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, việc này cần minh bạch thông tin giữa đơn vị cho ý kiến và đơn vị tuân thủ ý kiến.  

Với TPCN, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thì doanh nghiệp gửi hồ sơ công bố đến cơ quan nhà nước. Trong vòng 30 ngày, cơ quan quản lý sẽ thành lập hội đồng thẩm định để xem xét hồ sơ ghi nhãn và hồ sơ khác. Hội đồng dù có đồng ý hay không đồng ý thì cũng có văn bản thông báo gửi cho doanh nghiệp.
_mg_0259.JPG
Toàn cảnh hội nghị

Với 3 nhóm gồm TPCN, phụ gia thực phẩm và thực phẩm có công dụng liên quan tới sức khỏe, việc công bố sẽ do Bộ Y tế thực hiện. Các sản phẩm thực phẩm thông thường và thực phẩm ít rủi ro sẽ để cho các Sở Y tế phụ trách. Ông Cường cho rằng, đây là nỗ lực của Bộ Y tế trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc cải cách phải đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Về kiểm tra chất lượng ATTP, cơ quan quản lý sẽ bổ sung một số trường hợp được miễn kiểm tra ATTP đối với doanh nghiệp có 3 lần kiểm tra liên tiếp được đảm bảo thì sẽ không phải kiểm tra lần thứ tư.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn chỉnh dự thảo. Sau đó, sẽ trình cấp trên để ban hành Nghị định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm