Chị Khúc Hoa Phượng (tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường chủ động cho con lập thời gian biểu ở nhà, chia rõ buổi sáng, buổi chiều, buổi tối làm gì. Trong đó, giờ chơi của con đã bao gồm có thời gian để đọc sách. "Tôi nghĩ làm như vậy sẽ giúp con dần làm quen với cách quản lý thời gian, đảm bảo cả việc học và việc chơi đều hài hòa. Bố mẹ cũng đồng hành cùng con trong việc chọn sách và số lượng sách sẽ mua tùy sở thích và sức đọc của con" - chị Phượng kể.
Còn cháu Trần Minh Trí (trường THCS Thành Công, Hà Nội) bảo: “Cháu được bố mẹ cho phép sử dụng ipad từ năm học lớp 3 nên cháu khá quen với các loại sách như sách giấy, sách điện tử. Ngoài giờ đi học, bên cạnh việc giải trí, chơi game, cháu còn lên mạng tìm đọc những loại sách (ebook) liên quan đến sở thích như sách về khoa học vũ trụ, sách hóa học, giải phẫu cơ thể người”.
Để giúp trẻ đọc được những sách cần thiết trong thời gian có hạn, nhiều phụ huynh cho rằng cần đầu tư cơ sở vật chất như tủ sách cho con hoặc thiết kế phòng đọc sách/thư viện riêng, có ghế ngồi, bàn, đèn, máy đọc sách, dấu triện sách khắc tên bé một cách chuyên nghiệp...
Có những cha mẹ lại đầu tư về thời gian: Lúc rảnh rỗi, họ hạn chế lướt mạng, chơi facebook mà đọc sách cho con, lên lịch đọc trong tuần, ngày nghỉ dẫn con đi hiệu sách, gia nhập diễn đàn, câu lạc bộ giúp con ham đọc, thậm chí là đọc sách cùng con để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.
Có những cha mẹ lại đầu tư về thời gian: Lúc rảnh rỗi, họ hạn chế lướt mạng, chơi facebook mà đọc sách cho con, lên lịch đọc trong tuần, ngày nghỉ dẫn con đi hiệu sách, gia nhập diễn đàn, câu lạc bộ giúp con ham đọc, thậm chí là đọc sách cùng con để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.
Một chú bé 3 tuổi say sưa đọc sách trong lúc mẹ bế cậu chờ xếp hàng thanh toán tại Hội sách 2015
Có những cha mẹ lại quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đọc. Họ kiểm soát nội dung sách thiếu nhi một cách chặt chẽ bằng việc chọn nhà xuất bản, tác phẩm, tác giả có uy tín. Họ đọc trước nội dung để đảm bảo chất lượng sách cho con phải đáp ứng được yêu cầu cần thiết, không có sạn kiến thức, sạn kỹ năng, sạn giới...
Trong khi đó, không ít phụ huynh chỉ giục con học, hạn chế việc con đọc sách vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cha mẹ nên cân đối thời gian cho trẻ trong việc học tập, vui chơi, giải trí và đọc sách. Vì thế, việc lập thời gian biểu hợp lý cho con là vô cùng cần thiết.
Theo tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB đọc sách cùng con thì người lớn cần chủ động cùng trẻ thảo luận và đưa vào thời gian biểu những khung giờ mà trẻ được quyền làm những việc mình thích, trong đó có đọc sách. Chẳng hạn, buổi chiều, sau khi tập thể thao hay chơi các trò chơi vận động, tắm rửa xong, trẻ có thể đọc sách. Hoặc buổi tối, trước khi đi ngủ 40 phút. Và có thể vào một khung giờ bất kỳ của thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, không nhất thiết phải ép đó là giờ... chỉ được đọc sách.
Trẻ nên đọc cân đối giữa các thể loại: Sách văn học (bao gồm cả truyện lịch sử, viễn tưởng, thơ...), sách kỹ năng, sách khoa học, truyện tranh. Các bạn nhỏ lớp 1, 2, 3 nên đọc sách có minh hoạ, trình bày đẹp, chữ rõ ràng và lượng từ không quá nhiều. Các bạn lớn hơn thì đến với những cuốn sách "nhiều chữ" hơn.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để giúp trẻ đến với kho tàng tri thức thì nhà trường cũng cần vào cuộc. Không chỉ đưa việc đọc sách vào chương trình học mà các thầy, cô còn hướng dẫn, truyền cảm hứng cho học sinh.
“Các trường nên dành cho học sinh những tiết đọc sách và đưa hoạt động đọc sách văn học, đọc sách khoa học vào chương trình học, có thể mỗi tuần 2-3 tiết, đặc biệt là khi các cháu thường học bán trú từ sáng đến chiều. Song cũng đừng tạo thêm áp lực đọc - học cho trẻ và biến tiết đọc sách trở thành giờ học như các giờ học khác.
Đừng bắt trẻ phải tìm ý nghĩa, bài học hay tóm tắt truyện một cách hình thức. Thầy, cô giáo nên gợi ý danh mục, cho trẻ lựa chọn sách đọc hằng tháng, hướng dẫn phương pháp đọc và cách khai thác sách, tổ chức các buổi đọc chung thú vị, các buổi thảo luận, các bài tập, trò chơi liên quan đến nội dung sách để khơi gợi niềm yêu thích đọc sách, tạo động lực cho những trẻ lười đọc. Khi trẻ bắt đầu có thói quen đọc, tự thấy đọc là thú vị thì người lớn cần tôn trọng thời gian trẻ tự đọc ở trường và ở nhà như đã thỏa thuận” - tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.
“Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy, cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”.
Thomas Carlyle |