“Đợi hết dịch bố về chơi cùng con nhé!”

Quốc Toản
25/04/2020 - 09:03
“Đợi hết dịch bố về chơi cùng con nhé!”
Đêm biên giới Yên Khương (Thanh Hóa) tĩnh lặng, đầy đủ chăn ấm, nệm êm mà tôi không sao chợp mắt được. Trong tôi cứ ám ảnh hình bóng các chiến sỹ ngày đêm canh chốt trong thời tiết giá lạnh, lặn lội trong mưa rừng, trong sương mù giăng như khói bếp, muỗi vắt nhảy trên vai áo...

Xung phong lên chốt giữa lúc nghỉ phép chờ vợ sinh

Đường tuần tra biên giới những ngày đầu tháng tư mây mù phủ đặc, từng cơn gió mang theo cái rét Nàng Bân khiến cảm giác lạnh tê tái như những ngày giữa mùa đông. Trung uý Tài chở tôi bằng chiếc Dream đã cũ, ì ạch leo dốc, xuống đập tràn. Con đường từ đồn lên đến chốt kiểm soát phòng dịch đóng trên đường mòn xuyên rừng khoảng hơn 5 km cả đường bê tông và đường đất nhưng chúng tôi phải đi mất hơn 20 phút.

“Đợi hết dịch bố về chơi cùng con nhé!” - Ảnh 1.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương và cac Ban ngành địa phương làm công tác chuẩn bị để tuyên truyền lưu động

"Em chỉ là một trong rất nhiều người lính tạm gác những nỗi niềm riêng tư để tập trung cho chống dịch Covid-19. Điều hạnh phúc nhất của em là vợ đã sinh, mẹ tròn, con vuông dù khi con ra đời em chưa kịp nhìn mặt đã lên đường chống dịch".

Trung úy Nguyễn Xuân Tài, Đội trưởng Tham mưu hành chính Đồn Biên phòng Yên Khương, Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa

Sinh năm 1993, ở miền trung du Cẩm Thủy (Thanh Hóa), tốt nghiệp THPT, Nguyễn Xuân Tài quyết định thi vào Học viện Biên phòng để theo đuổi ước mơ từ nhỏ. Ra trường phần lớn thời gian công tác của Tài gắn bó với vùng biên huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Tài kể: "Năm 2018 em cưới vợ. Do gia đình neo người, bố mẹ đã lớn tuổi, là con lớn trong nhà lại thường xuyên công tác xa nên gia đình luôn quan tâm tới chuyện sớm có con cho vui cửa vui nhà. Rồi điều hạnh phúc tuyệt vời đã đến với em vào một buổi đẹp trời, tháng 7 năm 2019, vợ gọi điện báo tin vui đã có em bé. Vợ chồng nhẩm tính thời gian, rồi thống nhất em phải dành phép vào tháng ba phụ giúp vợ khi sinh. Thế mà cái con Covid-19 làm lỡ hết kế hoạch của em".

Tài cho biết, vào trung tuần tháng ba, khi mới nghỉ phép được một tuần thì cũng là lúc vợ nhập viện chờ sinh và có chỉ định của bác sỹ phải mổ đẻ. Trong lúc cả gia đình còn đợi vợ Tài ở trong phòng sinh, thì dịch Covid -19 bùng phát mạnh. Chưa kịp đợi nhìn mặt con mới chào đời, Tài đành động viên vợ và gia đình, xung phong lên đơn vị trực chốt cùng đồng đội.

Gùi lương lên lập chốt phòng dịch

Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) nằm trên con đường đất, tựa vào vách núi, dưới tán bụi le rừng. Sau thủ tục kiểm tra thân nhiệt bắt buộc, thiếu tá Cầm Bá Thắng, Đội trưởng Vũ trang, vừa đốt ống nứa đựng nước chè xanh (người dân địa phương thường gọi là chè lam) vừa giới thiệu: Chốt gồm có 6 cán bộ, chiến sỹ, do anh phụ trách. Hằng ngày được chia làm 2 tổ, một tổ trực tại chốt và một tổ cơ động tuần tra trong khu vực được phân công.

“Đợi hết dịch bố về chơi cùng con nhé!” - Ảnh 2.

Chiến sỹ biên phòng tự túc lương thực, nấu cơm trên chốt chống dịch

Chỉ con đường nhỏ men theo bờ suối anh cho biết: Đây là đường mòn xuyên rừng lên mốc giới 348, tiếp giáp với bản Cân (Lào). Đường mòn này vào rừng có thể sang được phía nước bạn. Từ ngày xảy ra dịch bệnh, chỉ huy đơn vị đã phân công anh em lên đây lập chốt, vừa để tuyên truyền vận động bà con nhân dân tạm dừng các hoạt động thu hái lâm sản và cũng để ngăn chặn kịp thời các trường hợp vượt biên giới trái phép trốn về địa bàn trong mùa dịch. Thời gian này, do được cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, phân tích rõ ràng, bà con đã chấp hành tốt. Tuy vậy anh em chưa một phút lơ là, chủ quan mà vẫn thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát.

Nói về những vất vả của người lính làm nhiệm vụ trên chốt, thiếu tá Cầm Bá Thắng chia sẻ: Đối với anh em lính biên phòng việc ăn ngủ trong rừng là việc bình thường. Tuy nhiên trong thời gian bệnh dịch Covid-19 bùng phát việc bố trí nơi ăn ở trong khoảng thời gian dài không đơn giản chút nào. Khi lập chốt do đường đất khó đi, lại xa đơn vị nên chỉ có thể vận chuyển được những vật dụng, lương thực cần thiết còn lại anh em phải tự túc tại chỗ.

“Đợi hết dịch bố về chơi cùng con nhé!” - Ảnh 3.

CBCS Đồn BP Yên Khương làm nhiệm vụ trực chốt nơi biên giới.

Tôi hướng mắt theo lời Thắng kể. Nơi ở của các anh có diện tích khoảng 6 mét vuông. Tất cả vật liệu đều được tự làm từ cây rừng. Mọi thứ đơn sơ nhưng chắc chắn, sạch sẽ, ngăn nắp. Thiếu tá Thắng vừa với tay rót nước chè lam mời khách vừa trải lòng: Xác định công tác chống dịch là hết sức quan trọng, không thể tính bằng ngày một ngày hai, Ban Chỉ huy đơn vị tranh thủ thời gian thu xếp lượng lương thực, thực phẩm dự trữ đảm bảo cho sinh hoạt và sức chiến đấu cho bộ đội. Ngoài những thứ anh em tranh thủ kiếm được như rau xanh, măng rừng, cứ vài ngày đơn vị lại chuyển thực phẩm tươi lên cho bộ đội.

Trung tá Nguyễn Ngọc Văn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Yên Khương cho biết: Từ ngày xảy ra dịch bệnh, mặc dù trên địa bàn huyện Lang Chánh chưa có trường hợp nào thuộc diện nghi nhiễm, nhưng đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng y tế xã Yên Khương tiến hành phun khử khuẩn ở tất cả các trường học, công sở trên địa bàn và doanh trại đơn vị. Đơn vị cũng đã triển khai lực lượng phối hợp với Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Trạm Y tế xã Yên Khương tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn bằng nhiều hình thức.

“Đợi hết dịch bố về chơi cùng con nhé!” - Ảnh 4.

Hướng dẫn các cháu đeo khẩu trang

Thượng tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương cho biết thêm: Nhân dân sinh sống trên địa bàn đơn vị phụ trách chủ yếu là người dân tộc Thái, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Thời gian đầu, một số bà con vẫn còn chủ quan với dịch bệnh, vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, ra đường không đeo khẩu trang... Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền nơi khu dân cư, nhắc nhở kịp thời ở các điểm chốt, đến nay người dân đã ý thức cao trong công tác phòng chống dịch, biết chăm lo bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, nhiều gia đình đã tạm hoãn việc tổ chức đám cưới để tránh tập trung đông người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm