Bữa ăn chỉ có cơm và rau của người dân “xóm đồng nát” giữa Thủ đô trong những ngày dịch Covid-19

Nguyễn Long
23/04/2020 - 21:28
Bữa ăn chỉ có cơm và rau của người dân “xóm đồng nát” giữa Thủ đô trong những ngày dịch Covid-19

Người dân xóm đồng nát trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội

Cuộc sống của những người dân “xóm đồng nát” ở Hà Nội vốn đã khó khăn, trong những ngày dịch bệnh càng khó khăn hơn gấp bội. Bữa ăn của họ thường chỉ có cơm trắng và đĩa rau luộc.

Trong ngày đầu tiên Hà Nội dừng giãn cách xã hội, nhiều tuyến đường đã đông đúc trở lại, hiện tượng ùn tắc đã diễn ra. Nhiều hàng ăn sáng, quán cà phê ngay từ sáng sớm đã đông kín người. Tất cả đều hồ hởi vì hôm nay đã là ngày thứ 7, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào.

Ở "xóm đồng nát" (ngõ 34 Hoàng Cầu, Hà Nội) mọi người ai cũng vội vàng chuẩn bị đồ nghề để bắt đầu công việc sau chuỗi ngày dài "ăn đợi nằm chờ". Xóm trọ này có khoảng hơn 200 người, họ đến từ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa… hầu hết đều làm công việc thu mua đồng nát.

Bữa ăn chỉ có cơm và rau của người dân “xóm đồng nát” giữa Thủ đô trong những ngày dịch Covid-19 - Ảnh 1.

"Xóm đồng nát" trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội

Ngồi sửa sang lại chiếc phanh xe đạp, chị Phạm Thị Huyền (SN 1986 quê ở Nam Định) kể, chồng chị làm bảo vệ, còn chị đi nhặt đồng nát, cả hai vợ chồng thu nhập cũng được khoảng 7 triệu đồng/tháng, chắt chiu lắm cũng tiết kiệm được 2 triệu gửi về cho 2 đứa con nhỏ ở quê ăn học. Thế nhưng từ Tết đến nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, làm chỉ đủ ăn, không gửi được về quê đồng nào.

"Vợ chồng tôi không có ruộng, về quê chẳng biết làm gì. Cố gắng bám trụ ở đây, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Khổ quen rồi, bữa đói bữa no cũng được, chỉ thương 2 đứa nhỏ ở quê."

Chị Phạm Thị Huyền, Nam Định

Đối diện phòng chị Huyền là phòng ông Bắc quê ở Thanh Hóa, năm nay đã ngoài 50 tuổi. Sự vất vả hiện rõ lên khuôn mặt, những nếp nhăn xô nhau khiến tuổi của ông người ngoài lầm tưởng đã hơn 60. Trước dịch, hàng ngày người ta vẫn thấy ông cạnh chiếc dream cũ ngay điểm trung chuyển xe buýt. Nhưng cả tháng nay ông không ra khỏi phòng.

Chị Nguyễn Thị Loan (SN 1985, ở Hà Nam) cho biết, sau khi nắm được thông tin dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, sáng nay chị cùng một số người trong xóm trọ đã bắt đầu trở lại với công việc, nhưng chẳng kiếm được mấy, vì nhiều nơi họ vẫn chưa mở cửa.

Bữa ăn của người dân “xóm đồng nát” ở Hà Nội những ngày dịch: Chỉ có rau luộc và muối vừng - Ảnh 2.

Số đồ "đồng nát" mà chị Loan thu gom sau cả ngày.

Kể về những ngày đầu tiên sau khi có lệnh cách ly xã hội, chị Loan nói: "Sau khi có lệnh cách ly, vợ chồng tôi bị mắc kẹt ở đây vì không có xe khách nào chạy nữa. Xe máy cũng không có để mà đi. Sau đợt dịch này vợ chồng tôi cố gắng làm rồi vay mượn thêm để mua cái xe máy, đi lại cho tiện, chứ gần 1 tháng ở đây, nhớ gia đình, nhớ con mà không làm cách nào về được".

Cũng làm nghề nhặt ve chai, chị Nguyễn Thị Thương (SN 1983, quê Thanh Hóa) cho biết, trước đây mỗi ngày chị kiếm được 100 nghìn đồng. Nhưng từ thời điểm có dịch, công việc thu mua đồng nát của chị bị ảnh hưởng nên chỉ ở trong nhà, bữa ăn thì chỉ có nồi cơm trắng, đĩa rau luộc, sang thì có thêm chút muối vừng chứ chẳng dám bỏ tiền ra mua thịt, cá.

"Tiền nhà trọ đến nay cũng đã 3 tháng tôi chưa nộp được. Tôi còn 3 đứa con đang gửi ở quê cho ông bà chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình ở quê cũng khó khăn, hơn 2 tháng nay tôi không có tiền gửi về rồi, không biết các con ở quê có được ăn no không. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm được dập tắt để những người lao động nghèo như chúng tôi kiếm được tiền còn nuôi con."

Chị Nguyễn Thị Thương, Thanh Hóa

Thu nhập của những người đi nhặt ve chai mỗi tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng, trong khi đó tiền nhà trọ mỗi tháng là 1 triệu. Những ngày này, nhiều người dân ở "xóm đồng nát" ngoài mong muốn hết dịch để sớm trở lại với công việc hàng ngày, họ còn có một mong muốn khác là được chủ nhà trọ giảm cho chút tiền phòng.

Rời "xóm đồng nát" khi bầu trời đã tối sầm, vài người đang ngồi tuốt dây điện để lấy đồng bán. Những lời rì rầm qua lại về cái tivi hỏng sáng nay mua chẳng lời lãi được bao nhiêu khiến người nghe thấy buồn não ruột...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm