Đội nữ đặc nhiệm ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
01/04/2017 - 19:13
Không chỉ là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Na Uy là xứ sở đầu tiên trên thế giới sở hữu một đội đặc nhiệm quy tụ những nữ binh sĩ trẻ gan dạ, sẵn sàng xuất quân ra chiến trận.
Theo Bộ Quốc phòng Na Uy, chiến dịch quốc tế tại Afghanistan đã chứng tỏ lợi thế của nữ quân nhân khi họ có thể tương tác với trẻ em và phụ nữ để thu thập thông tin tại những nước Hồi giáo hoặc còn nặng tư tưởng bảo thủ, nơi nam giới rất khó tiếp cận với phụ nữ địa phương.Các cô gái tham gia đội biệt kích Jegertroppen có tuổi đời từ 19 đến 27, hầu hết là quân nhân trẻ được tuyển lựa gắt gao từ lực lượng vũ trang hoặc là vận động viên ưu tú đến từ những trường trung học thể thao có tiếng tại Na Uy. Theo Bộ Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Na Uy (NORSOCOM), hơn 300 phụ nữ đã nộp đơn ứng cử trong năm đầu tiên thành lập đội nữ biệt kích.
Chỉ gồm toàn thành viên nữ nhưng đơn vị này cũng phải trải qua chương trình huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt không thua kém các lực lượng biệt kích nam. Các thành viên thường xuyên phải hành quân hàng cây số với lượng quân trang gần bằng số cân nặng của mình trong điều kiện tuyết rơi dày đặc, có khi ngập tới đầu gối. Ngoài ra, các nữ binh sĩ có các bài tập đột kích trong môi trường chiến tranh đô thị, lặn trong vùng biển băng giá và nhảy dù từ trực thăng.Theo nữ binh sĩ 19 tuổi Jannike Jarlum, đến nay, cô đã vượt qua được một nửa thời gian của chương trình huấn luyện kéo dài 1 năm. Sắp tới, những nữ biệt kích này sẽ tham gia rèn luyện khả năng trinh sát, chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, lái xe đặc chủng cũng như thoát khỏi một cuộc phục kích trong môi trường thành thị.Jannike cũng nhắc đến chương trình huấn luyện khó khăn nhất là “tuần lễ địa ngục”. Trong đó, các nữ binh sĩ trải qua một loạt bài kiểm tra về sức mạnh thể chất lẫn tâm lý liên quan đến những cuộc hành quân kéo dài nhiều ngày với rất ít hoặc hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, lương thực và nước uống thì vô cùng hạn chế. “Chúng tôi thậm chí phải tự săn thú để lấy thịt”, cô Jannike kể. Hằng năm có 12 người vượt qua chương trình huấn luyện đầy gian khó trên, đủ để cung cấp một đội lính đặc nhiệm thiện chiến cho quân đội.Đại úy Ole Vidar Krogsaeter, người trực tiếp giám sát quy trình huấn luyện các nữ đặc nhiệm, cho biết: “Các nữ binh sĩ tập luyện đến mức thuần thục mọi kỹ năng để tham gia chiến trận. Đây là tài sản quý giá của quân đội Na Uy”.