pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi rác thải tái chế lấy thực phẩm
Người dân mang rác đến đổi quà.
Theo đó, người dân sẽ mang rác có thể tái chế được đến điểm tập kết của phường để đổi các loại thực phẩm và đồ dùng gồm có: gạo, nước tương, nước mắm, các loại gia vị, mì gói, nước ngọt, kể cả đổi áo dài. Chương trình được phát động từ năm 2020, nhưng do dịch bệnh nên phải gián đoạn một thời gian dài.
Năm nay, Hội LHPN phường 4 (quận 5, TPHCM) tiếp tục triển khai vào sáng thứ 7 hàng tuần, từ cuối tháng 2 - 23/4. Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, thu gom và quản lý tốt hơn đối với rác thải tái chế sau khi được phân loại. Khi nguồn rác tái chế đủ lớn, các bên liên quan có giải pháp biến rác thải thành nguyên liệu tái sử dụng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Vạn Tiến, Công ty ve chai Chú Hỏa, đơn vị thu mua tất cả rác tái chế sau khi Hội LHPN phường 4 thu gom, chia sẻ: "Về cách phân loại rác, gồm có 3 nhóm chính: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Ngoài ra còn có rác thải nguy hại và rác thải cồng kềnh. Rác tái chế có rất nhiều loại, nhưng mình chỉ chia thành 3 nhóm chính, gồm những vật dụng cơ bản mà mình thường gặp hàng ngày. Đầu tiên là nhóm rác giấy như giấy báo, thùng carton, tạp chí, vở học sinh. Nhóm thứ 2 là nhựa ve chai, những bàn ghế làm từ nhựa, nón bảo hiểm, hũ sữa chua.., bọc kiếng, bọc thực phẩm. Nhóm thứ 3 là kim loại gồm: sắt, nhôm, innox, đồng".
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường 4 (Quận 5, TPHCM) cho biết: "Chương trình góp phần nâng cao ý thức của rất nhiều chị em hội viên trên địa bàn về việc bảo vệ môi trường. Chị em đến đây tham gia và đổi được quà mang về nên rất vui, tạo thêm không khí phấn khởi cho phong trào Hội. Từ những chương trình như vậy, các chị đã biết tiết kiệm hơn, thay vì vứt bỏ ra môi trường thì gom lại để làm việc có ích".