Đốn rừng làm du lịch ở Bình Thuận: Hiểm họa khôn lường khi rừng ngày càng cạn kiệt

N.P.V
14/11/2020 - 13:12
Đốn rừng làm du lịch ở Bình Thuận: Hiểm họa khôn lường khi rừng ngày càng cạn kiệt
Các hiện tượng biến đổi khí hậu, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… là hậu quả của việc phá rừng tràn lan, vì thế, nạn chặt phá rừng phòng hộ đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người.

Với vai trò "lá phổi" của trái đất, rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học bởi vậy. Bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng không thể trì hoãn của tất cả các quốc gia. Đặc biệt tại các quốc gia đang phải đối mặt với những cuộc "khủng hoảng trong lâm nghiệp" do hoạt động khai thác rừng ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến thiếu hiệu quả, thậm chí gây nhiều tác động xấu thì việc bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên rừng càng đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Rừng không chỉ tạo ra ô-xy để duy trì sự sống cho con người, rừng còn là nhân tố có vai trò đặc biệt trong chống biến đổi khí hậu, điều tiết dòng chảy trên mặt đất, bảo vệ, cải tạo làm tơi xốp đất, giữ nước cho sản xuất, hạn chế sức phá hoại của gió, ngăn sự di chuyển của cát vào sâu đất liền, ngăn chặn gió, bão phá hoại mùa màng, làng xóm…

Lũ lụt tàn phá nghiêm trọng miền Trung trong năm 2020 cũng bắt nguồn từ việc diện tích đất rừng bị thu hẹp.

Lũ lụt tàn phá nghiêm trọng miền Trung trong năm 2020 có nguyên nhân từ việc diện tích đất rừng bị thu hẹp

Rừng còn là nơi cư trú của động thực vật, giúp cân bằng hệ sinh thái trái đất và và là nơi lưu giữ các nguồn gen quý hiếm. Trên trái đất rộng lớn, con người cũng chỉ là những sinh vật nhỏ bé, là một thành phần của tự nhiên. Nếu con người biết chung sống hài hoà thì sẽ được thiên nhiên bảo vệ, che chở. Ngược lại sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường như: Bão lũ, hạn hán, lốc xoáy, lở đất, sóng thần. Rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ.

"Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt". Cha ông ta đã đúc kết như thế để xác định thái độ ứng xử đúng mực với rừng; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển rừng hàng ngàn năm qua. Cho nên, trồng cây và bảo vệ rừng không chỉ có lợi ích kinh tế mà còn có lợi ích về mặt xã hội. Do vậy, rừng chính là báu vật chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ.

Chắc hẳn chúng ta không thể quên được những cơn "nổi giận" của mẹ thiên nhiên vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã gây ra những hậu quả vô cùng to lớn đối với người dân nơi đây.

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh trong trận chiến giành giật sự sống cho nhân dân trong cơn đại hồng thủy. Hàng trăm người dân cũng đã nằm lại cánh rừng, bờ khe sau những trận lũ quét.

Nguyên nhân sạt lở đất do đâu? Đến giờ câu hỏi ấy vẫn chưa có một đáp án xác đáng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy đó là việc phá rừng sẽ khiến tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Đồng thời, phá rừng gây mất cân bằng sinh thái, khí hậu thất thường, phát sinh nhiều dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất, lũ quét xuất hiện bất ngờ gây ra những hậu quả thiệt hại nặng nề về người và của.

Nếu rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn. Khi còn rừng, các loại cây cũng sẽ phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Việc chặt phá cây trên các sườn núi dốc có nền đất nông do đó làm tăng nguy cơ lở đất, có thể ảnh hưởng tới những người dân gần khu vực đó.

Để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận “hy sinh, đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi”, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhưng nay phải chuyển sang cho dự án du lịch của tư nhân.

Để có được dự án này thì Bình Thuận phải chấp nhận “hy sinh, đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi”, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhưng nay phải chuyển sang cho dự án du lịch của tư nhân

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về dự án án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, do Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn các xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết), tỉnh Bình Thuận. Trong đó, đặc biệt là dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, Bình Thuận phải chấp nhận "hy sinh", đốn bỏ 7,17 ha cây dương 25 năm tuổi, tươi tốt, chắn sóng, ngăn gió, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Theo đó, dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016. Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận lần lượt ban hành 02 Quyết định số 904/QĐ-UBND (ngày 5/4/2017), Quyết định số 3670/QĐ-UBND (ngày 21/12/2017) thu hồi đất và tạm giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam để thực hiện dự án.

Chưa dừng lại ở đó, dự án này lại tiếp tục được UBND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh 2 lần với các quyết định số 1165/QĐ-UBND (ngày 9/5/2018), số 966/QĐ-UBND (ngày 17/4/2019).

Đến tháng 8/2019, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục ban hành Quyết định số 1961/QĐ-UBND (ngày 2/8/2019) phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. Theo quyết định này Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có quy mô khoảng 12,54 ha. Và ngày 28/10/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Lê Tuấn Phong đã chính thức ký Quyết định số 2746/QĐ-UBND về việc "chuyển mục đích rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp để đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương".

Rừng dương 25 năm tuổi với nhiệm vụ ngăn sóng, chắn gió, bảo vệ môi trường đã bị chặt bỏ để triển khai dự án. Khó có thể đo đếm được những thiệt hại khi rừng bị đốn bỏ.

Việc ngăn chặn bão lũ, triều cường cho khu vực Tiến Thành, Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung sẽ ra sao khi diện tích rừng ven biển ngày càng thu hẹp? Hậu quả sẽ thế nào khi những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến thất thường, biển đã lấn sâu vào đất liền, nguy cơ mất đất, nỗi lo bị sóng biển xâm lấn ngày càng tăng lên?

Thiết nghĩ, bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống của tất cả chúng ta. Mong rằng UBND tỉnh Bình Thuận cân nhắc khi tiến hành triển khai dự án này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm