Anh bạn tôi nháy mắt cười: “Cậu còn “nai” lắm. Khen trước mặt mọi người có khác gì bắc thang cho cô ấy leo lên đầu?”. Nghe kinh hãi quá. Do vợ làm cho công ty nước ngoài, thu nhập cao hơn anh nhiều lần nên mọi thứ trong nhà đều từ đồng lương của vợ. Vậy mà trước mặt bạn bè, lúc nào anh cũng khẳng định đó là công sức của mình, ngụ ý tài giỏi không kém gì ai. Ban đầu, cô vợ cảm thấy bình thường bởi quan niệm “của chồng công vợ” là lẽ thường tình. Tuy nhiên, sự việc lặp đi lặp lại khiến cô bức xúc.
Lời khen công khai trước bàn dân thiên hạ sẽ khiến “nửa kia” sung sướng, hãnh diện. Vậy hà cớ gì lại tiết kiệm lời khen khi “người ấy” vừa có những việc làm tốt? Nếu lúc đó, anh chồng cứ thành thật bảo: “Mọi thứ đều do một tay vợ tớ lo đó. Cô ấy giỏi lắm!”, nghe thế, không chỉ cô vợ nở mặt nở mày mà cũng là cách khiến anh “sáng giá” hơn bởi “tốt số” có được vợ giỏi! Một lời khen đúng chỗ, đúng lúc bao giờ cũng có sức mạnh to lớn, khiến người nghe tưởng như vừa uống chục thang thuốc bổ.
Một lời khen hoặc chê có thể góp phần thay đổi tính cách của người vợ hoặc chồng (Ảnh minh họa)
Sau những ngày sinh hoạt bê bối, đàn đúm theo bạn bè ăn nhậu, anh chồng hạ quyết tâm “làm lại cuộc đời”. Thế là, ngày nghỉ cuối tuần, anh mua sơn về rồi tự tay lọ mọ sơn phết. Nhìn thấy hình ảnh tích cực đó, cô vợ vui mừng bảo các con: “Đấy, ai dám nói bố các con không khéo tay, không có óc thẩm mỹ? Chà, màu nước sơn sáng loáng trông thích mắt nhỉ!”. Nghe thế, bọn trẻ đồng thanh: “Dạ” một tiếng rõ to. Lập tức, bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết khiến anh chồng “thừa thắng xông lên” hết sơn cánh cửa này đến sửa chữa cái nọ. Chỉ cần dành một ít thời gian, thay vì bù khú vô bổ với bạn bè là có thể đem lại niềm vui cho vợ con.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được sự tinh tế ấy. Thay vì khen động viên chồng, chị bạn tôi lại cười nhạt: “Tự dưng nổi hứng thế này, vậy ai la cà quán nhậu hả anh? Chắc hôm nay trời sập quá!”. Mà “trời sập” thật. Nghe câu nói mỉa mai ấy, lập tức bao nhiêu cảm hứng tốt đẹp tan biến nhanh tựa bọt xà phòng. Anh đứng phắt dậy, phóng xe ra khỏi nhà ngay tắp lự.
“Này, nói khẽ thôi, đừng ồn ào mà các nàng nghe được thì “quê độ” lắm”. Chuyện gì vậy? Dạo này anh bạn tôi luôn ủ ê mặt mày. Anh vừa bị sếp mắng vì không hoàn thành nhiệm vụ chăng? Nếu thế thì chẳng sao, chuyện này còn gay cấn hơn nhiều. Khi “lâm trận”, thông thường anh luôn “dưới cơ” nên đâm ra mặc cảm lắm lắm. Sau nhiều lần “tầm sư học đạo” và bồi dưỡng sức khỏe, anh tự tin hơn và kể: “Lúc ấy, mình phong độ hơn hẳn mọi ngày, vậy mà…”. Nói xong, anh tặc lưỡi: “Bà xã chẳng thèm khen cho một câu mà còn…”. Lời chê ấy đã khiến anh cụt hứng, không còn một chút nhuệ khí nào.
Đứng ở góc độ tâm lý, ta thấy rằng, trong bất kỳ tình huống nào thì người bạn đời cũng thích nghe lời khen chân thành. Dù chưa như ý muốn nhưng lời khen ấy lại là nguồn động lực mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia về tình yêu, hôn nhân khuyên nên tìm thấy điểm tốt của người bạn đời và tạo điều kiện để phát huy. Một trong những cách dễ dàng và có hiệu quả vẫn là lời khen.
Nhiều cô vợ đâm ra chán vào bếp cũng bởi trong lúc ăn, y như rằng, anh chồng sẽ moi cho bằng được khiếm khuyết nào đó ra chê bai, cằn nhằn: “Cả ngày làm việc cực nhọc, về đến nhà có mỗi bữa cơm ăn chung nhưng cũng không ra hồn. Vậy thì, đừng trách lần sau bỏ cơm nhà đấy nhá!”. “Ừ, muốn thì chiều!”, vợ buồn bực thốt lên. Tự dưng niềm vui trong nhà tắt ngúm! Đừng quên, lời khen - chê trước mặt con cái còn có tác dụng giáo dục đối với chúng. Nếu vợ/chồng thường bị “nửa kia” chê thì hình ảnh bậc sinh thành trong mắt các con sẽ thế nào?
Chung sống là một quá trình lâu dài, không phải loại bỏ tất tần tật các cá tính đã hình thành mà mỗi người phải tự biết nên “bào mòn” cá tính ấy như thế nào để phù hợp với “nửa kia”. Hơn ai hết, người trong cuộc phải có hướng phấn đấu tích cực để có được lời khen. Mà khi đã như thế, hà cớ gì lại không khen nhau một tiếng? Một lời khen, một lời chê có thể góp phần thay đổi tính cách vợ/chồng. Thế nên xem ra, chuyện này không hề nhỏ chút nào!