pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự báo mưa lũ phức tạp vào cuối năm: Cần chủ động ứng phó từ sớm - Bài cuối: Những bài học kinh nghiệm
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Dự báo La Nina xuất hiện từ tháng 9/2024
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), tháng 8/2024 tiếp tục là thời kỳ cao điểm mùa mưa ở các tỉnh miền Bắc nước ta do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Dự báo tổng lượng mưa trên khu vực Bắc bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, với lượng mưa phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Bắc dao động trong khoảng 300-400mm; có nơi trên 500mm. Vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ lượng mưa dao động từ 250 đến 350mm, có nơi trên 400mm.
Do có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nguy hiểm. Trong tháng 9/2024, dự báo ở Bắc Bộ mưa có thể cao hơn trung bình nhiều năm.
Đáng lưu ý, từ tháng 9/2024, La Nina tác động trùng với thời điểm mưa bão, lũ ở miền Trung. Với sự ảnh hưởng này, tình hình mưa bão, lũ ở Trung bộ khả năng xảy ra dồn dập trong khoảng nửa cuối tháng 9 và tháng 10 - tháng 11 năm nay.
"Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, nhất là trong các tháng mùa thu. Vì vậy, các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội", ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cho biết.
"Đối với khoa học hiện nay, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng khu vực nhỏ như thôn, bản, khu dân cư để giảm thiểu thiệt hại luôn là thách thức không chỉ của riêng Việt Nam mà ngay cả với những nước có trình độ khoa học công nghệ khí tượng thủy văn phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ", ông Hưởng chia sẻ.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, để cảnh báo sạt lở đất, chúng ta cần thực hiện nhiều công việc như tăng cường quan trắc, áp dụng các tiến bộ khoa học mới, tăng cường mức độ chi tiết của các yếu tố bề mặt.
Đặc biệt là phải đánh giá được chính xác độ ổn định của mái, độ bền và khả năng liên kết hạt của đất ở mỗi vị trí. Điều này phù thuộc vào các loại đất khác nhau, đan xen vào nhau như cát, bùn và đất sét.
Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS). Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nguồn dữ liệu.
Các dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp vào hệ thống gồm số liệu ước lượng mưa từ 10 rađa và hơn 1500 trạm mưa tự động, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF...
Tuy nhiên, SEAFFGS chưa thể hỗ trợ dự báo được vị trí cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chỉ có thể hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa sinh lũ quét đối với mỗi tiểu lưu vực trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng; vùng nguy cơ sạt lở đất trong 24 giờ tiếp theo với tần suất cập nhật 6 giờ/lần.
Tăng cường cảnh báo thiên tai trực tuyến
Theo ông Mai Văn Khiêm, để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, người dân cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó sớm thì thiệt hại giảm đi đáng kể.
Đại diện của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, trong năm nay, đơn vị này tăng cường cảnh báo trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin thiên tai đến cộng đồng.
Trong đó có trang thông tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất được cập nhật hàng giờ, đồng thời sẽ đưa vào thử nghiệm cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong việc rà soát các điểm xung yếu để tập trung theo dõi, cảnh báo, đặc biệt là các khu vực có ảnh hưởng đến dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng.
Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bắt đầu phối hợp với địa phương để triển khai Đề án "Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam". Đây là một đề án lớn, được thực hiện trong 5 năm tới, với mục tiêu giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất.