Du khách sợ biển miền Trung vì cá chết hàng loạt

28/04/2016 - 08:53
Người chuyển lịch trình du lịch 30/4 – 1/5, người thì vẫn tiếp tục đến biển miền Trung nhưng thấp thỏm lo lắng. Ngành du lịch các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế như 'ngồi trên đống lửa'.
Những ngày qua, việc hàng loạt cá chết ở ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế làm hoang mang không chỉ ngư dân mà còn cả du khách lên kế hoạch nghỉ 30/4 -1/5 tại đây. Nhiều người lo ngại nước biển bị ô nhiễm, hải sản bị nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi.

Chị Quế Hằng (giáo viên ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định) cho biết, dịp nghỉ lễ này, gia đình chị đã lên kế hoạch đi Huế - Đà Nẵng chơi."Mấy hôm nay mình rất hoang mang khi biết khu vực biển ở Huế nước bị nhiễm độc khiến cá chết hàng loạt. Đi biển mà không xuống biển tắm, không ăn hải sản thì còn gì là đi biển nữa. Vì thế, gia đình mình quyết định hủy kế hoạch, chuyển sang đi nghỉ ở Sapa” – chị Hằng cho biết.

Còn gia đình chị Bùi Như Quỳnh (cán bộ Viettel ở Cổ Nhuế, Hà Nội) thì cho hay, vì gia đình có con nhỏ nên chị đã đặt vé máy bay và phòng khách sạn nghỉ ở Quảng Bình từ 2 tháng trước đây. Theo kế hoạch, gia đình chị sẽ ghé qua Vũng Chùa - Đảo Yến, Phong Nha - Kẻ Bàng và không thể bỏ qua biển Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới. “Mình đặt vé và khách sạn cho cả gia đình lên đến gần 20 triệu, giờ hủy thì phí mà đi thì lo ngại tình hình cá chết, thực phẩm không đảm bảo, nước biển ô nhiễm” – chị Quỳnh phân vân.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hội Du lịch Quảng Bình cho biết, theo thống kê đến thời điểm này, 25 – 30% tour du lịch tới Quảng Bình bị hủy vào dịp 30/4, 1/5.
di-lich-bien.jpg
Theo thống kê, đến thời điểm này, 25 – 30% tour du lịch tới Quảng Bình bị hủy vào dịp 30/4, 1/5. Ảnh: HY
Ông Lê Đức Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội nhà hàng tỉnh Quảng Bình cho biết, trong những ngày qua, hiện tượng cá biển chết tại Quảng Bình đã làm cho lượng khách đến với các nhà hàng trên địa bàn giảm khoảng 80%.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, tuy tình hình chưa rộ lên, chưa phải nặng lắm nhưng hiện cũng đã có một số du khách, chủ yếu là khách phía Nam, hủy tour đến Đà Nẵng. Trước mắt, có một số khách sau khi đến Đà Nẵng mà có ý định đi Huế, Phong Nha... thì Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort đã hủy tour.

Theo các hãng lữ hành, du khách từ miền Nam ra các tỉnh, thành miền Trung chủ yếu theo lịch trình đến các điểm du lịch chứ không tập trung tắm biển nên chương trình tour không bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, những khách từ miền Bắc vào miền Trung đa phần sẽ chọn tour biển nên bị hủy tour nhiều hơn.
 
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitour) lo ngại:“Dịp lễ 30-4, đa phần du khách đã đặt vé máy bay, mua tour rồi nên không thay đổi nhưng với mùa hè năm nay, ngành du lịch miền Trung chắc chắn sẽ gặp khó”.

Ngoài ra, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc truyền thông Vietravel, cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu loại bỏ các món ăn liên quan đến hải sản, thay thế bằng các món khác để du khách an tâm về chuyến du lịch của mình”.

Hiệp hội du lịch Quảng Bình sáng 23/4 đã họp bàn về giải pháp khắc phục và cho biết sẽ ra văn bản hướng dẫn các nhà hàng hải sản chuyển đổi thực đơn qua cá lồng nuôi trên sông, gà thả vườn, lươn đồng, và nhiều đặc sản khác đến từ các vùng quê khác nhau ở Quảng Bình.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm