Du khách trốn lại nước ngoài: Thủ đoạn tinh vi, hướng dẫn viên cũng ‘bó tay’

29/07/2019 - 16:25
Hành vi bỏ trốn của du khách Việt Nam khi sang du lịch nước ngoài thường rất tinh vi, có những trường hợp khách du lịch không trốn ngay lần đầu đi du lịch mà phải đến lần đi du lịch thứ hai khách mới bỏ trốn…
Thủ đoạn tinh vi
 
Đầu tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đưa thông báo về án phạt dành cho 8 đơn vị lữ hành do “vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết”. Theo đó, 7 công ty bị hủy bỏ tư cách đại diện xin cấp visa đoàn cho du khách đi tour, trong đó có chi nhánh của Vietravel tại Hà Nội theo đó bị đình chỉ tạm thời trong 6 tháng, tính từ 1/7. Phía Đại sứ quán Nhật Bản cũng cho biết là “các đơn vị Việt Nam được ủy quyền bị đình chỉ không phải chuyện chưa có tiền lệ”.
 
Được biết, trước đó, năm 2018, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tổ chức cho hơn 566 đoàn với gần 17.000 du khách đến Nhật Bản du lịch. Trong đó, chi nhánh tại Hà Nội đã có 3 khách không về lại cùng đoàn và 2 khách về sau đoàn.
 
dukhach.jpg
Từ ngày 1/8/2019, các công ty kinh doanh du lịch để khách bỏ trốn tại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị phạt 80-90 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, thu hồi thẻ hướng dẫn viên. Ảnh minh họa.

 

Thực tế, chuyện khách đi tour rồi trốn ở lại, không quay về Việt Nam từng xảy ra rất nhiều. Không riêng gì Nhật Bản, một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan cũng là địa chỉ bỏ trốn của nhiều du khách Việt khi sang du lịch. Dù trong thời gian qua, các đơn vị du lịch lữ hành đã tăng cường khâu quản lý, kiểm soát du khách Việt khi sang du lịch nước ngoài, song với thủ đoạn tinh vi, nhiều du khách vẫn lách được, qua mặt các hướng dẫn viên.
 
Trao đổi với PV PNVN, ông Lâm Thắng, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), người thường dẫn đoàn du khách nội địa đi du lịch Hàn Quốc trong nhiều năm qua, cho biết tình trạng khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở lại nước ngoài đang là vấn đề làm đau đầu các công ty lữ hành.
 
Ông Thắng cho biết, đã từng xảy ra trường hợp, dù hướng dẫn viên đã cầm hộ chiếu nhưng khách du lịch vẫn bỏ trốn. “Thực tế thì thu giấy tờ, hộ chiếu cũng chỉ là một trong những giải pháp được cho là hiệu quả, song không phải lúc nào người hướng dẫn viên cũng có thể quản lý khách 24/24 được, vì có thể ban ngày họ vẫn đi cùng đoàn nhưng đến tối, thậm chí đến ngày cuối cùng thì họ mới bỏ trốn”, ông Thắng nói.
 
Theo ông Thắng, hành vi bỏ trốn của du khách rất tinh vi. Ông Thắng dẫn chứng: “Có những trường hợp, khách du lịch không trốn ngay lần đầu đi du lịch mà phải đến lần đi du lịch thứ hai khách mới bỏ trốn. Tức là lần đầu họ đi qua Viettravel, nhưng lần sau thì họ sẽ đi du lịch thông qua các công ty khác rồi mới bỏ trốn.
 
Thực tế, đây là hành vi rất tinh vi, họ mượn Viettravel để làm bình phong khi xin visa, bởi lúc kiểm định hồ sơ, sứ quán các nước sẽ nghĩ rằng du khách này đã từng đi với công ty Viettravel rồi, nghĩa là hồ sơ đã rất ổn, thì người ta sẽ thoáng hơn khi cấp visa cho du khách mà không nghi ngờ. Và chỉ cần có vậy, đến lần thứ hai thì du khách mới trốn lại. Khi đó, không phải Viettravel mà công ty sau này tổ chức cho khách đi sẽ gặp phải khó khăn, nhưng Viettravel trong trường hợp này cũng bị ảnh hưởng uy tín gián tiếp”.
 
Đau đầu quản lý
 
Giám sát du khách Việt Nam khi sang du lịch tại những quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan luôn là vấn đề được các đơn vị du lịch lữ hành đặt lên hàng đầu để đề phòng những sự cố xảy ra. Dẫu vậy, cũng vẫn không ngăn được tình trạng du khách bỏ trốn.
 
Theo ông Lâm Thắng, để ngăn chặn tình trạng khách du lịch Việt Nam bỏ trốn để ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp, phía Viettravel đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao tính ràng buộc, đặc biệt sàng lọc hồ sơ rất kỹ từ khâu tiếp nhận đầu vào.
 
dailoan.jpg
Vụ 152 du khách Việt Nam bỏ trốn khi sang du lịch Đài Loan vào năm 2018 đã để lại hình ảnh xấu cho các du khách Việt.

 

Hiện nay, đối với Viettravel, số lượng của một đoàn khách của tour du lịch đi Hàn Quốc chỉ khoảng 30 người và một hướng dẫn viên du lịch, còn trường hợp nhiều hơn nữa thì công ty sẽ có thêm hướng dẫn viên để chăm sóc khách tốt hơn và quản lý được dễ hơn.
 
Về nghiệp vụ khi đến nơi, hướng dẫn sẽ thu hộ chiếu của khách, vừa đảm bảo cho khách cũng vừa để đề phòng nhỡ khi xảy ra trường hợp khách bỏ trốn thì đó là chứng cứ để công ty khi làm việc với cơ quan chức năng sẽ chứng minh rằng không thỏa hiệp với du khách hay tiếp tay cho họ bổ trốn.
 
Ông Thắng cho biết: “Ngay từ khâu nhận hồ sơ của khách hàng, nếu xét thấy hộ khẩu của khách ở những tỉnh/thành được cho là “nhạy cảm” khi trước đó có nhiều người từng đi du lịch hoặc xuất khẩu lao động nhưng đã bỏ trốn, ở lại để lao động bất hợp pháp thì sẽ có những quy định riêng.
 
Ví dụ như hiện nay, phía Viettravel bắt buộc những du khách có hồ sơ thuộc diện “nghi vấn” trước khi đi phải ký quỹ cam kết thì phía công ty mới nhận hồ sơ, quỹ này là để đảm bảo khách đi và về đúng lịch trình của tour, không bỏ trốn để ở lại”.
 
“Theo cam kết, nếu khách đi du lịch mà bỏ trốn, không trở về thì sẽ mất 100% số tiền đã ký quỹ đó. Quỹ này có mức đóng khá cao, ví dụ như đi Hàn Quốc, khách sẽ phải cam kết ký quỹ là 250 triệu đồng”, ông Thắng cho biết thêm.
 
Để ngăn chặn tình trạng du khách Việt Nam bỏ trốn và ở lại để lao động bất hợp pháp khi đi du lịch nước ngoài, mới đây, hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, từ ngày 1/8, doanh nghiệp kinh doanh du lịch để khách bỏ trốn tại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam sẽ bị phạt tiền ở mức cao nhất là 90 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12-18 tháng.
 
Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng các quy định về chế tài trong Nghị định 45 vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, nhất là khi xác định hành vi để khách bỏ trốn khi đi du lịch cũng như chưa nói rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên. Do đó, dẫn đến hệ quả là trách nhiệm sẽ đổ dồn lên các công ty tổ chức du lịch lữ hành và nguy cơ phá sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi chẳng may… khách bỏ trốn.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm