Dự thảo buộc thôi học sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần: Xa rời thực tế, mang tính chủ quan?

30/10/2018 - 14:00
“Có thể thấy rằng, chất lượng xây dựng các văn bản dưới luật của một số bộ ban ngành hiện nay còn tương đối yếu, có khi xa rời thực tế và thường bị mắc sai sót, đặc biệt là có nhiều yếu tố mang tính chủ quan của ngành”, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ.

Sinh viên sư phạm nói gì?

Dự thảo của Bộ GD&ĐT về việc sinh viên ngành sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Liên quan đến sự việc này, trả lời PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thừa nhận đây là do “sơ suất” của Bộ khi trình dự thảo.

Theo bà Nghĩa, trong quy chế công tác HSSV theo QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT ban hành từ năm 2007 đã có nội dung xử phạt sinh viên bán dâm (hoạt động mại dâm). Tuy nhiên, từ tháng 1/2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với đối với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp, còn lại các trường sư phạm, ngành đào tạo giáo viên vẫn do Bộ GD&ĐT quản lý.

maidam.jpg
Dự thảo Quy định của Bộ GD&ĐT gây nhiều tranh cãi

Song, sau khi phân cấp quản lý các trường giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ GD&ĐT thì quy định trong QĐ số 42/2007/QĐ-BGDĐT lại không được “sửa kịp thời”, do đó dẫn đến “hiểu nhầm”.

Sinh viên Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1997, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Em nghĩ rằng quy định này có cái gì đó rất hài hước và nếu dự thảo được thông qua thì thực sự ra một sự xúc phạm không nhỏ đối với sinh viên ngành sư phạm như chúng em. Bởi em thấy rằng hiện nay, có nhiều sinh viên tham gia đường dây bán dâm nhưng nếu chỉ quy định đối với sinh viên sư phạm mà không phải là sinh viên những trường khác thì mọi người sẽ nghĩ rằng đa phần sinh viên bán dâm là những sinh viên ngành sư phạm?!”.

Đồng ý kiến với Thủy Tiên, sinh viên Trần Thị Lệ (SN 1998, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Quy định đó không hợp lý, bởi lẽ với một sinh viên sư phạm, khi đã quyết định chọn cho mình tương lai trên bục giảng, đi truyền đạt kiến thức mà lại bán dâm và có lỗi sống buông thả thì không thể chấp nhận được. Em nghĩ rằng nếu cần chấn chính việc này thì chỉ nên tuyên truyền bằng cách mở các buổi ngoại khóa, lồng ghép vấn đề phòng chống mại dâm, ma túy, tệ nạn xã hội vào lớp học".

 

Xa rời thực tế, có nhiều yếu tố mang tính chủ quan

Có thể thấy, không chỉ dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT quy định về việc sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học, mà trước đó, nhiều văn bản dưới luật, nghị định, thông tư, quy định khác như: “ngực lép không được lái xe”, “tiểu bậy”, "hút thuốc lá nơi công cộng"… đều “chết yểu” ngay khi vừa mới đưa ra lấy ý kiến (dự thảo), hoặc chỉ dừng lại ở mức “quy định rồi để đó”.

Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: "Từ vụ việc trên, có thể thấy rằng, chất lượng xây dựng các văn bản dưới luật của một số bộ ban ngành hiện nay còn tương đối yếu, thường bị mắc sai sót và đặc biệt là có nhiều yếu tố mang tính chủ quan của ngành. Có khi xây dựng văn bản lại không tương thích với các đạo luật khác, do đó trong quá trình thực hiện đã tạo ra nhiều sự bất cập và chưa phù hợp.

 

tu.jpg
Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ với phóng viên

Riêng đối với quy định về việc sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học thì tôi thấy nó hơi “hài hước” và việc này đã có Pháp lệnh về phòng chống mại dâm, Luật hình sự cũng đã có quy định về “mại dâm” rồi. Do đó muốn xây dựng dự thảo, quy chế, thông tư, quy định thì cũng cần phải tham khảo và tuân thủ những đạo luật đó.

Tôi cũng không hiểu sao Bộ GD&ĐT lại chọn con số 4 lần, mà không phải là 3 lần, 2 lần? Phải chăng, các nhà soạn thảo thông tư mong muốn để cho các em có cơ hội sửa chữa? Nhưng nếu có thể sửa chữa thì cũng có thể là lần thứ 2 hoặc lần thứ 5, thứ 6… Thiết nghĩ, nếu sinh viên mà bán dâm thì bán dâm 1-2 lần là đủ để đuổi học rồi chứ sao phải tới 4 lần?

Qua đây, tôi cũng thấy rằng các Bộ là đơn vị ra những văn bản dưới luật trong lĩnh vực của mình, tuy nhiên những văn bản đó cũng đòi hỏi hàm lượng kiến thức pháp luật rất cao, rất sâu nên nhiều dự thảo, quy định… còn xa rời thực tế, thiếu tính chuyên nghiệp, chồng chèo và khó có khả năng thực hiện. Do đó, trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật cũng cần phải có sự phối hợp, trao đổi với các Bộ ngành am hiểu về luật như Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án để đưa ra được những văn bản dưới luật phù hợp".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm