Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng

PV
24/10/2022 - 11:16
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng

Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường sáng 24/10 về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, khám chữa bệnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ hộ nghèo, vùng khó khăn.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, ngày 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật này đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum - cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nghiêm túc và đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội qua các lần thảo luận để hoàn thiện các nội dung để trình ra Kỳ họp lần này.

Quan tâm đến vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em, đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh, đây là nguyên nhân gây tử vong cao trong trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, thường xảy đến với các trẻ em ở hộ nghèo, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không có khả năng chi trả, điều trị. Căn bệnh này còn gây ảnh hưởng đến não bộ, khả năng học tập của các cháu sau này. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cần có quy định cụ thể cho vấn đề này.

Đại biểu K'Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng - cho biết: Về giải thích từ ngữ, Dự thảo Luật quy định, "trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" thuộc nhóm "người bệnh không có thân nhân". Cho rằng quy định như vậy là trái với Luật Hộ tịch, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa quy định này cho thống nhất với Luật Hộ tịch, Luật Trẻ em và các Luật hiện hành, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng - Ảnh 1.

Đại biểu K'Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Với một số nội dung khác, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - cho rằng đối chiếu với mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế và có nền y học khoa học, dân tộc và hiện đại, tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng trong dự thảo luật vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết trong dự thảo luật.

Đại biểu Tạ Văn Hạ lấy ví dụ quy định về phân cấp, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Đại biểu đồng tình với việc phân cấp này và khẳng định đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu?; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân? Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?

Đại biểu Nàng Xô Vi, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho biết: Gần đây các vụ việc người nhà bệnh nhân bạo hành nhân viên y tế, cá biệt hơn là cả bệnh nhân đang khám và điều trị cũng có hành vi bạo lực nhân viên y tế tại các bệnh viện có chiều hướng gia tăng và có những vụ việc gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có bổ sung vào dự thảo Luật này các biện pháp phù hợp hơn, quyết liệt hơn để xử lý, chấn chỉnh hiện trạng này.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm