"Đưa con gái của bạn vào khoa Tâm thần, tôi mới nhận ra: Có cha mẹ xuất sắc cũng là 1 thảm họa"

Hiểu Đan
02/10/2023 - 22:28
"Đưa con gái của bạn vào khoa Tâm thần, tôi mới nhận ra: Có cha mẹ xuất sắc cũng là 1 thảm họa"

Ảnh minh họa

Chỉ có những bậc cha mẹ biết buông bỏ nỗi ám ảnh về sự xuất sắc và động viên con bằng tình yêu thương mới có thể nuôi dạy những đứa con ngoan, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.

Một phụ huynh ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện thu hút sự chú ý:

"Gần đây tôi gặp một chuyện rất buồn. Con gái của bạn tôi đã nhảy từ tầng cao xuống đất, may mắn được ngăn lại kịp thời. Nhưng cô bé được cứu đã mấy ngày không ăn uống, vẻ mặt đờ đẫn. Tôi cùng bạn nhanh chóng đưa cháu đến khoa Tâm thần. Kết quả là cháu bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng, phải nhập viện và buộc phải tạm thời nghỉ học.

Bạn tôi bàng hoàng và sợ hãi: Làm sao con gái tôi lại có thể trở nên như thế này? Đúng vậy, tôi đã chứng kiến cô bé lớn lên, tuy thành tích học tập bình thường nhưng cháu luôn ngoan ngoãn lễ phép, được người lớn tuổi yêu mến.

"Hôm đó con bé không giải được một bài Toán nên tôi nói rằng ngay cả lớp ba cũng có thể làm được. Ai mà ngờ được rằng nó lại quay người và nhảy khỏi tòa nhà", bạn tôi vừa nói vừa khóc.

"Đưa con gái của bạn vào khoa Tâm thần, tôi mới nhận ra: Có cha mẹ quá xuất sắc cũng là 1 thảm họa" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Câu này nghe có vẻ đặc biệt quen thuộc. Lần nào đến nhà bạn, tôi cũng nghe thấy những lời tương tự: "Bố có bằng Tiến sĩ Toán học, tại sao con lại dốt Toán như vậy?"; "Khi bằng tuổi con, mẹ đã đọc hết bốn tác phẩm kinh điển rồi! Tại sao con vẫn chưa đọc xong cuốn nào?"; "Mẹ 7 tuổi có thể nấu ăn, còn con 10 tuổi mà thậm chí một quả trứng cũng không biết chiên?". Mỗi lần bị mẹ mắng, cô bé đều im lặng.

Quả thật, bạn của tôi và chồng đều là những người thành đạt: Chồng đi du học về và là Giáo sư đại học; bạn của tôi hiện là Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty nước ngoài. Nhưng cha mẹ như vậy lại nuôi dạy một đứa con gái "thất bại", họ tệ đến vậy sao?

Câu trả lời hoàn toàn ngược lại.

Khi đứa trẻ này lựa chọn cách kết thúc cực đoan, không phải vì cha mẹ không đủ tốt mà là vì cha mẹ quá tốt. Một số cha mẹ đang "giết chết" con bằng chính sự xuất sắc của mình nhưng họ không biết điều đó. Những đứa trẻ luôn bị cha mẹ "bắt nạt” không bao giờ có thể ngẩng đầu lên".

Cha mẹ quá xuất sắc, con áp lực

Có một chủ đề trên Zhihu: "Cha mẹ đều là học giả hàng đầu sẽ như thế nào?". Câu trả lời của một cư dân mạng được nhiều lượt thích: "Cha mẹ quá tốt chỉ đơn giản là một thảm họa".

Người ta nói cha mẹ là tấm gương đầu tiên của con cái, nhưng nếu tấm gương này cứ tiếp tục dùng sự xuất sắc của mình để đàn áp con cái thì đó sẽ là một thảm họa. Những đứa trẻ có tính cách ngoan ngoãn sẽ trở nên tầm thường và bất tài, còn những đứa trẻ có tính cách nổi loạn sẽ dùng đủ "sự xấu xa" để chống lại sự "xuất sắc" của cha mẹ.

Muốn con cái có cuộc sống tốt hơn mình, nhiều bậc cha mẹ không ngừng thúc giục con phấn đấu. Nhưng còn một lý do sâu xa khác mà họ không muốn thừa nhận: Cha mẹ sợ sự "không hoàn hảo" của con cái sẽ phá vỡ "sự hoàn hảo" của chính mình. Nuôi dạy con thành "huy chương" của chính mình, đó là sự thiếu hiểu biết lớn nhất của cha mẹ.

Một chuyên gia tư vấn tâm lý từng chia sẻ câu chuyện. Một bà mẹ đến tư vấn, mở đầu cuộc trò chuyện, bà đã liệt kê rất nhiều khuyết điểm của con trai mình: Khi được hỏi: "Tại sao cô lại đòi hỏi nhiều ở con như vậy?". Người mẹ trả lời không cần suy nghĩ: "Không phải vì tôi muốn sau này nó có một cuộc sống tốt, vào một trường đại học danh tiếng như tôi và tìm được một công việc tử tế hay sao?".

Sau nhiều lớp hướng dẫn của nhân viên tư vấn, cuối cùng người mẹ cũng đã nói ra sự thật: "Tôi không muốn người khác nói rằng những đứa trẻ tôi giáo dục quá tệ". Hóa ra, so với việc chân thành hy vọng con mình sẽ xuất sắc, nhiều bậc cha mẹ lại quan tâm hơn đến việc không để những khuyết điểm của con trở thành điểm yếu của chính mình.

Vì tôi tốt nghiệp trường đại học danh giá nên tôi mong các con tôi cũng như vậy. Vì tôi nói tiếng Anh rất giỏi từ nhỏ nên tôi không muốn con mình kém tiếng Anh, nếu không người khác sẽ nói tôi dạy con không tốt.

Theo quan điểm của họ, nếu cha mẹ ưu tú mà không nuôi dạy được những đứa con xuất sắc thì đó chính là thất bại lớn nhất. Vì vậy, nhiều người sẽ dùng những biện pháp mạnh tay để buộc con mình khắc phục khuyết điểm, trở thành người ưu tú. Suy cho cùng, chỉ có sự xuất sắc của đứa trẻ mới có thể bổ sung thêm một huy chương nữa cho sự xuất sắc của cha mẹ.

Hãy từ bỏ nỗi ám ảnh về sự xuất sắc để nuôi dạy những đứa trẻ xuất sắc

Cha mẹ muốn bồi dưỡng con thành tài, điều này không bao giờ sai, sai là ở phương pháp. Để nuôi dạy những đứa con xuất sắc, điều cha mẹ cần làm trước tiên là buông bỏ nỗi ám ảnh về sự xuất sắc.

Vậy phải làm như nào? Các bậc phụ huynh có thể tham khảo 3 phương pháp dưới đây:

1. Đừng lấy tiêu chuẩn của thời đại cũ để đòi hỏi con cái thời đại mới

Có lẽ nhiều bậc cha mẹ đã từng trăn trở như thế này: Tại sao chúng ta vẫn có thể đạt được thành công trong thời đại vật chất khan hiếm, nhưng trẻ em ngày nay không phải lo cơm ăn áo mặc mà chẳng đạt được thành tựu gì? Bởi vì thời thế đã thay đổi nhưng cha mẹ lạc hậu vẫn dùng những chuẩn mực của thời đại cũ để yêu cầu con cái mình ở thời đại mới.

Cha mẹ thông minh sẽ đặt con mình vào thời đại hiện tại, tìm ra những điểm yếu và áp dụng các chiến lược phát triển phù hợp.

Chẳng hạn, trẻ em ngày nay tuy không phải làm việc nhà và có nhiều thời gian nhưng lại phải đối mặt với sự cám dỗ của các sản phẩm điện tử. Lúc này, cha mẹ nên hướng dẫn con sử dụng các thiết bị công nghệ một cách hợp lý và quản lý tốt thời gian.

Một ví dụ khác là mặc dù trẻ em ngày nay có nhiều tài nguyên học tập nhưng quá nhiều cũng khiến chúng "hoa mắt". Lúc này, cha mẹ nên rèn luyện thói quen đọc sách cho con và lựa chọn những nguồn tài liệu phù hợp nhất.

2. Đi theo quỹ đạo phát triển của trẻ

Bộ phim tài liệu "Amazing Mom" có sự tham gia của Lý Kỳ, một bà mẹ nổi tiếng tài giỏi, một trong những người điều hành Google Trung Quốc. Nhưng con trai của cô không những không thừa hưởng gen ưu tú của mẹ mà còn thường xuyên bị điểm kém.

Lý Kỳ không vội vàng đốc thúc con. Cô nói: "Tôi có xu hướng tin rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sứ mệnh và con đường của mình, chỉ là chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy điều đó". Dần dần, Lý Kỳ phát hiện ra năng khiếu "kinh doanh" của con trai.

Chẳng hạn, con trai cô luôn để sẵn văn phòng phẩm trong cặp sách, khi các bạn trong lớp có nhu cầu gấp thì bán lại với giá cao hơn. Khi đi trại hè, cậu bé mua đồ ăn nhẹ trị giá 200 nhân dân tệ (gần 700 ngàn đồng) và bán chúng với số tiền gấp đôi,…

Mỗi đứa trẻ có lộ trình phát triển khác nhau: Có đứa học nhanh, có đứa học chậm, có đứa học giỏi, có đứa vẽ giỏi,… Cha mẹ nên theo dõi quỹ đạo phát triển của con, chú ý hơn đến điểm mạnh của trẻ, không nên dùng điểm số là yếu tố duy nhất để đo lường phẩm chất con mình.

3. Tình yêu đích thực của cha mẹ là dành cho con cái chứ không phải vì thể diện

Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ coi con mình là “trang sức”: Nếu con về nhất trong kỳ thi thì họ sẽ tự hào, con về cuối thì lấy làm mất mặt. Đây không phải là yêu thương con cái mà là yêu thương chính mình. Tình yêu đích thực đối với một đứa trẻ là chúng ta sẵn sàng ôm con thật chặt bất kể điểm của con tốt hay kém, xuất sắc hay không.

Có cha mẹ tuyệt vời, đó không phải là một lỗi lầm. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu cha mẹ dùng sự xuất sắc của mình để đè bẹp phẩm giá của con cái. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên chỉ có thể sống trong cái bóng của cha mẹ và không thể thực sự là chính mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm