pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đưa đặc sản nước mắm quê nhà lên sàn thương mại điện tử
Chị Bùi Thị Tuyết
Chỉn chu trong từng công đoạn
Nghề làm mắm cha truyền con nối trong gia đình chị Bùi Thị Tuyết (thôn Nội Lang Nam, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đến nay đã được hơn 100 năm. Là đời thứ 4 theo nghề gia truyền, dù lành nghề đến mấy, chị Tuyết vẫn chỉn chu trong từng công đoạn, tuân thủ nghiêm ngặt về nguyên liệu, thời gian.
Chị Bùi Thị Tuyết cho biết, nước mắm ở nhiều địa phương khác được làm chủ yếu từ cá biển còn ở vùng đất Tiền Hải quê chị, nước mắm được làm từ hai thành phần nguyên liệu chính là con tép và muối biển.
Tép để làm nước mắm được người làm chọn những mẻ tép biển tươi, thu mua của mối đánh bắt gần rừng sú, rừng vẹt của Nam Định, Thanh Hóa hay Thái Bình. Muối dùng để ủ mắm phải là loại hạt muối keo phơi được nắng.
Ủ nước mắm không được nóng vội. Thời gian ủ một mẻ phải tính bằng năm với nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đều có ý nghĩa của nó, ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị của nước mắm.
Theo chị Tuyết, tép sau khi thu mua về sẽ được sơ chế sạch, cho vào bể ủ cùng muối theo tỷ lệ 10 kg tép: 2 kg muối, ủ sau 1 năm mới đưa ra để xay và chắt nước cốt. Đó là lúc người làm nước mắm có thể chắt lấy nước mắm cốt và thực hiện các công đoạn tiếp theo để tạo thành nước mắm đưa ra thị trường. Nhà chị cầu kỳ hơn, sau khi chắt ra, nước mắm sẽ được cho vào các chậu sành, phơi dưới ánh nắng mặt trời để cô lại, tạo thành những giọt nước mắm nguyên chất.
Chị thường phơi nước mắm khoảng nửa tháng đến 1 tháng. Bằng kỹ thuật làm nghề riêng của gia đình, công đoạn cuối cùng này đã tạo ra những giọt nước mắm đậm đà, có hương vị riêng.
Đặt chữ "tín" lên hàng đầu
Nghề làm nước mắm truyền thống đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ nước mắm công nghiệp. Song, không vì thế mà những người làm nghề như chị Tuyết làm qua loa, đại khái.
Ngược lại, chị luôn tâm niệm phải đặt chữ "tâm", chữ "tín" lên hàng đầu, đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm để chinh phục khách hàng. Từng công đoạn đều được phải làm bằng sự tận tâm, tỉ mỉ, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là phải trả giá bằng cả mẻ nước mắm.
Không chỉ cẩn thận từ khâu lựa chọn nguyên liệu, vật dụng để ủ mắm, hằng ngày, chị Tuyết thường xuyên nhắc nhở người lao động trong cơ sở phải vệ sinh khu vực ủ mắm 3 lần nhằm hạn chế mùi hôi, tránh thu hút ruồi, bọ. Nhờ các khâu được kiểm định chặt chẽ, tỷ lệ muối, con tép luôn giữ được ổn định nên hương vị nước mắm của gia đình chị nhiều năm qua vẫn giữ được nét đặc trưng riêng.
Người ăn quen sẽ thấy nước mắm có vị hơi mặn nhưng khi vào đến cổ họng thì lại có vị ngọt thanh. Đó là vị ngọt của tép biển chứ không phải của vị ngọt của hương liệu hay chất bảo quản.
Với nỗ lực của mình, gia đình chị Bùi Thị Tuyết đã mở rộng cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Gia đình chị cũng xây dựng được thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu nước mắm Đoán Tuyết, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Những giọt nước mắm đậm vị của nhãn hiệu Đoán Tuyết đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử, với giá bán từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng/lít.