Đũa thông minh 'báo động' thức ăn có độc

19/09/2015 - 10:09
Trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra phổ biến, các nhà khoa học đã sáng chế ra những chiếc “đũa thông minh”, nhằm phát hiện thức ăn không an toàn.
Đũa báo “có độc”
Tập đoàn Baidu (Trung Quốc) vừa ra mắt loại “đũa thông minh” được cho là có thể phát hiện những thực phẩm có độc, gây hại cho sức khỏe. Trung Quốc đang “nổi tiếng” khắp thế giới bởi những công thức chế biến thực phẩm… cực độc, bao gồm nhiều loại hóa chất, phụ gia, gia vị và cả những giống vật nuôi, cây trồng bị biến đổi gene hoặc nuôi trồng bằng công nghệ thiếu an toàn, môi trường độc hại.
Những năm gần đây, nước này đã trải qua nhiều vụ bê bối trong các lĩnh vực, từ thực phẩm đến dược phẩm kém chất lượng hoặc các sản phẩm bị nhiễm độc. Nổi tiếng nhất là sữa bột nhiễm melamine, gây ra cái chết của ít nhất 6 trẻ sơ sinh và khiến khoảng 300.000 người bị bệnh nặng. Ngoài ra còn có tôm tiêm gelatine và kem đánh răng có chất độc hại… Do đó chẳng ai ngạc nhiên khi những sản phẩm công nghệ có tính năng phát hiện chất độc trong thực phẩm lại được phát minh từ đất nước này.
1_cn.jpg

 Sản phẩm đũa thông minh được tạo ra từ chính đất nước sản xuẩt nhiều thức ăn độc Trung Quốc

Theo phát ngôn viên của Tập đoàn Baidu, ý tưởng về “đũa thông minh” đã được nghiên cứu từ vài năm trước nhưng chỉ mới xuất hiện vào đầu tháng 4 năm nay. Từ những sản phẩm mang tính thử nghiệm, các nhà sáng chế của Baidu tiếp tục phát triển để dần tiếp cận rộng rãi với thị trường và những sản phẩm đại chúng đầu tiên đã được giới thiệu vào cuối tháng 9 vừa qua.
Đó là loại đũa ăn thông minh có tên Kuaisou. Sản phẩm này được tích hợp các cảm biến giúp phát hiện hàm lượng những chất gây ngộ độc trong thực phẩm thấp hay cao và thông báo cho người dùng qua các đèn LED ở phần trên đôi đũa. Đèn màu xanh bật sáng nghĩa là thực phẩm an toàn, còn đèn màu đỏ sáng lên nghĩa là thực phẩm bị nhiễm bẩn. Những cảm biến này cũng có khả năng kết nối với một ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bàn của người dùng.
Trong các thử nghiệm được trình chiếu tại buổi ra mắt sản phẩm, khi dùng đũa Kuaisou để khuấy dầu ôliu, kết quả hiển thị trên màn hình điện thoại ghi chữ “tốt”, còn khi nhúng nó vào dầu ăn tái chế, màn hình hiển thị chữ “có hại”. Ngoài ra, công cụ tìm kiếm Baidu này cũng có thể cảnh báo người dùng nếu các loại dầu được sử dụng trong thực phẩm không an toàn, xác định nồng độ PH trong nước và thử độ mặn của thực phẩm.
Mặc dù đã cố gắng thúc đẩy quá trình nghiên cứu và sản xuất nhưng theo ông Robin Li, Tổng giám đốc Baidu, thì loại đũa thông minh này hiện chưa sẵn sàng bán ra thị trường. Baidu mới chỉ sản xuất một số hàng mẫu giới hạn và cũng chưa tiết lộ giá cả hay thời điểm sản phẩm này có mặt trên thị trường.
“Tuyên chiến” với thực phẩm bẩn
Thật ra, những sản phẩm của Baidu chỉ là một phần của “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn mà các hãng công nghệ trên toàn cầu đã tiến hành, thông qua việc nghiên cứu chế tạo những thiết bị có khả năng phát hiện thực phẩm bẩn, từ hàng chục năm trước và vài năm gần đây thì hàng loạt sản phẩm đã xuất hiện.
2_cn.jpg

 Găng tay thông minh có khả năng phát hiện độc tố trong thức ăn, môi trường làm việc thâm chí trong không khí

Cũng trong năm 2014, một loại găng tay đặc biệt có khả năng phát hiện nhanh độc tố bằng cách đổi màu cảnh báo cho những người sử dụng biết để phòng ngừa đã được Viện nghiên cứu Fraunhofer của Đức giới thiệu. Găng tay nói trên được cấu tạo bởi các loại sợi thông minh có thể đổi màu, phù hợp dùng cho công nhân làm việc trong môi trường độc hại như các nhà máy hóa chất hay trong ngành chế biến thực phẩm, phát hiện nhanh các chất gây độc có trong đồ ăn, thức uống. Không chỉ đổi màu khi tiếp xúc trực tiếp với chất độc mà thậm chí khi để ngoài trời, nếu trong không khí có các chất độc hại thì găng tay cũng tự đổi màu. Được biết, tới đây các nhà khoa học còn “nhúng” cả những sensor cực nhỏ vào trong sợi và găng tay để nó ghi lại số liệu và độc tố, sau đó truyền đến máy tính trung tâm để tính toán, xử lý.
Còn tại Anh, các chuyên gia ĐH Southampton thuộc dự án Biolisme đã phát triển và đưa vào thử nghiệm thiết bị có khả năng phát hiện trực khuẩn gram dương di động (Listeria monocytogenes) gây ngộ độc, có trong thức ăn, thay cho quá trình xét nghiệm phức tạp. Thiết bị bao gồm một cảm biến, sử dụng khí nén và nước để cô lập các tế bào trên bề mặt cần xét nghiệm, rồi cho chúng tiếp xúc với kháng thể đặc biệt. Nếu vi khuẩn Listeria hiện diện, kháng thể phát sáng và hiện tượng này sẽ được ghi nhận bởi 1 camera thiết kế riêng cho thiết bị. Kỹ thuật mới ngoài khắc phục hạn chế về mặt thời gian (cho kết quả trong vòng 3-4 tiếng), còn giảm thiểu sai sót của phương pháp xét nghiệm truyền thống do không phân biệt tế bào sống có hại và tế bào chết của vi khuẩn.
Những thiết bị giúp phát hiện độc tố trong thực phẩm là một hướng đi tích cực, nhằm giảm thiểu các tác hại của việc sử dụng chất độc và công nghệ độc hại để chế biến, sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Vì sao chính con người lại chế ra những sản phẩm độc hại để rồi phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc để chống lại nó? Phải chăng đó chính là một nghịch lý của xã hội hiện đại?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm