pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đứa trẻ nói được 3 từ này chứng tỏ bạn đã dạy con đúng hướng
Bao nhiêu mâu thuẫn có thể giải quyết khi 3 từ đơn giản "Tôi xin lỗi" được nói ra chân thành? Lời xin lỗi không phải là liều thuốc giải quyết mọi khúc mắc, nhưng là phương pháp tuyệt vời giúp hai người xích lại gần nhau hơn.
Dù mang sức mạnh biến đổi đến vậy, nhưng nhiều người trong chúng ta không muốn nói xin lỗi do sợ hãi, bướng bỉnh, hay đơn giản là vì không biết cách khắc phục hậu quả xấu mình đã gây ra. Với trẻ nhỏ cũng không ngoại lệ.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia tâm lý, nếu con bạn biết nắm tay bố mẹ, nhìn vào mắt và nhẹ nhàng nói "Con xin lỗi" sau khi làm sai điều gì đó, ngoài cảm giác tan chảy trong lòng, bạn cũng nên tự hào vì đang có một đứa con sở hữu chỉ số EQ vượt trội.
Những đứa trẻ có EQ cao rất giỏi trong việc nhận biết và bày tỏ cảm xúc của mình bằng lời nói. Nghiên cứu chỉ ra các em giỏi làm chủ bản thân vì hiểu mình đang cảm thấy thế nào và nên bày tỏ ra sao. Lựa chọn từ ngữ càng cụ thể, chứng tỏ trẻ có cái nhìn sâu sắc về chính bản thân mình và biết cách xử lý điều đó.
Một đứa trẻ biết nói "Tôi xin lỗi" phản ánh rằng trẻ có dũng khí đối mặt và chịu trách nhiệm cho sai lầm; Chúng biết quan sát và hiểu cảm xúc của người khác. Chúng thường được yêu mến và suôn sẻ hơn trên con đường sự nghiệp cũng như cuộc sống sau này.
Dạy con nói lời xin lỗi phù hợp
Nếu sử dụng không đúng cách, "tôi xin lỗi" sẽ trở nên suồng sã hoặc giảm tác dụng. Vậy cha mẹ nên hướng dẫn con ra sao?
1. Cha mẹ phải làm gương, để con cái nhận thấy sửa lỗi không có gì đáng xấu hổ
Trẻ dù còn nhỏ nhưng nếu không rèn luyện được thói quen nhận lỗi thì "tôi xin lỗi" vẫn là ba từ khó nói. Vì vậy, khi ở nhà cùng con cái, nếu làm sai điều gì, nhất định phải nói "Bố/mẹ xin lỗi" với con, để con cảm nhận được ý nghĩa và sự cần thiết của lời xin lỗi.
Khi trẻ làm sai nhưng vẫn đang có phần kích động, đừng vội bắt trẻ xin lỗi ngay lập tức, nên đợi cho cảm xúc của trẻ ổn định rồi mới hướng dẫn con cách giải quyết. Ellen Goldsmith, một chuyên gia về trẻ em và thanh thiếu niên của Mỹ cho biết: "Sẽ không thực sự khôn ngoan nếu cha mẹ cố gắng dạy dỗ khi đang tức giận hoặc con trẻ đang khó chịu phản kháng. Cha mẹ cũng không thể dạy khi đang cảm thấy xấu hổ trước mặt người khác".
Hầu hết các hành vi của trẻ được học thông qua việc bắt chước. Trong một bầu không khí gia đình bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, trẻ sẽ tự nhiên chấp nhận và xem việc xin lỗi là điều nên có.
2. Hướng dẫn trẻ xin lỗi đúng cách
"Con xin lỗi, cpm vừa mới..."; "Con làm như vậy là không tốt bởi vì..."; "Con sẽ... Bố/mẹ có thể tha thứ cho con được không?". Đây là một công thức phổ quát để thể hiện lời xin lỗi một cách chính xác.
Mục đích của lời xin lỗi là giải thích bạn đã làm sai điều gì và rắc rối mà bạn biết là mình đã gây ra cho người khác, chẳng hạn như: "Mình xin lỗi, mình vừa ném quả bóng vào bạn, nó rất dễ làm bạn bị thương, mình sẽ không bao giờ làm điều này một lần nữa. Bạn có thể tha thứ cho mình không?".
3. Đừng nôn nóng
Khi một số trẻ nhận ra hành vi của mình đã gây phiền phức cho người khác, có trẻ sẽ thẳng thừng nói "Con xin lỗi" và đề xuất cách khắc phục. Một số trẻ nhút nhát không giỏi nói "Tôi xin lỗi", thay vào đó, chúng thể hiện sự hối hận về hành vi vừa rồi thông qua hành động, chẳng hạn tự mình nhặt đồ đánh rơi cất đi, sau đó lặng lẽ đứng bên cạnh bố mẹ. Đây là biểu hiện thay cho câu nói: "Con nhặt lại được đồ chơi, bố mẹ có trách con nữa không?".
Đối với những trẻ chưa giỏi thể hiện lời xin lỗi, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ từ từ, trước hết hãy nói với trẻ rằng bạn hiểu ý trẻ và chấp nhận hành vi sửa lỗi khi biết lỗi của trẻ. Tuy nhiên nếu trẻ có thể học cách nói "Con xin lỗi" thì sẽ còn tốt hơn, bởi không phải bạn bè nào cũng có thể hiểu mình như bố mẹ. "Con xin lỗi" không phải là điều đáng xấu hổ, mà ngược lại, hành động này chứng tỏ đó là người biết nhận thức và có thái độ thiện chí muốn nhận lỗi và sửa sai.