pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đừng áp đặt, hãy để con được sống hạnh phúc
Ảnh minh họa
Chị Trần Thanh Vy (ở Hà Nội) vốn là học sinh chuyên Toán, còn chồng chị là dân chuyên Lý, thành tích học tập của cả hai đều đáng nể. Chính vì thế, đường học hành của hai con được anh chị hoạch định rất cụ thể, nghiêm khắc. Từ tiểu học lên đại học, con học trường nào, học khối gì, theo chuyên ngành nào, đều tuân thủ theo định hướng của cha mẹ.
Vợ chồng chị Vy sẽ vẫn luôn tự hào về cách giáo dục con của mình nếu không có chuyện đùng một cái, cuối năm nhất đại học, cô con gái lớn của anh chị đột nhiên bỏ học. Cô bé nói đi học như bị tra tấn, không có một chút hứng thú nào, nhất định đòi chuyển từ ngành kinh tế sang ngành thiết kế thời trang. Vợ chồng chị Vy đã sốc trước hành động của con gái. Nhưng cô bé vẫn kiên quyết vì: "Cả tuổi thơ của con lao vào học vì bố mẹ, sống theo sự sắp xếp của bố mẹ. Giờ con đã qua tuổi 18, con đủ khôn lớn để nhận ra đâu mới là lẽ sống, là giấc mơ của con. Con không muốn bản thân mình bị nhào nặn theo phiên bản định sẵn của bố mẹ".
Mặc bố mẹ cáu giận, doạ từ mặt, cô bé nhất quyết chuyển ra ngoài ở trọ với bạn để chứng minh bản thân có thể tự lập. Trong thời gian chờ thi lại, cô bé đi làm thêm để kiếm sống và chờ cơ hội vào trường đại học mà mình dự định theo học ngành thiết kế thời trang.
Việc cha mẹ áp đặt con cái thực ra là muốn con sống cuộc đời mà cha mẹ kỳ vọng chứ không phải cho con sống cuộc đời của con. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, thầy Phạm Huy Hùng (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, cha mẹ áp đặt con trẻ sẽ làm suy giảm các kỹ năng tương tác xã hội của trẻ. Khi bị áp đặt quá mức, trẻ thường phát triển các hành vi xấu hoặc trở nên hung dữ. Việc cha mẹ áp đặt con cái quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của con, mà còn gia tăng nguy cơ trẻ bị trầm cảm, mắc rối loạn lo âu, ăn uống, rối loạn lưỡng cực và nhân cách; lạm dụng chất kích thích…
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui, giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, việc bố mẹ áp đặt con sẽ tạo ra những khoảng cách trong giao tiếp và tình cảm, không tìm được tiếng nói chung với con. Trẻ dễ cảm thấy mệt mỏi và không thích trò chuyện với bố mẹ nếu lúc nào chúng cũng bị buộc phải nghe theo những quy chuẩn, quan điểm của bố mẹ. Khi bị áp đặt, trẻ sẽ dần mất đi khả năng sáng tạo, đặc biệt là tư duy phản biện, do không có cơ hội và môi trường để được tự do thực hiện nó.
Vì vậy, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui nhắn nhủ với các bậc cha mẹ cần tôn trọng sở thích của con, lắng nghe, chia sẻ cùng con để đạt mục tiêu cuối cùng là con được sống hạnh phúc.