Bất cứ ai, khi ở vị trí người làm cha mẹ, đều mong muốn con mình có một cuộc sống yên ấm, đủ đầy. Họ hi vọng bản thân có thể trở thành điểm tựa vững chắc của con. Bởi vậy, nhiều người lao vào vòng quay công việc – tiền tài với suy nghĩ “bận rộn vì gia đình”. Nhưng ít ai hiểu rằng chính điều đó vô tình tạo nên sự xa cách trong mối quan hệ cha mẹ - vợ chồng – con cái.
Là người trụ cột trong gia đình, lại ít khi thổ lộ cảm xúc, nhiều ông bố thực sự gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con. Nắm bắt tâm lý của đại đa số ông bố bận rộn qua nhiều năm tham gia hoạt động diễn thuyết, tư vấn tâm lý, viết lách về đề tài giáo dục, nuôi dạy trẻ…, 3 phút cho ông bố bận rộn của Ota Toshimasa đã mang đến những giải pháp, bài học kỹ năng cần thiết để bố trở thành “chuyên gia” nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Xuyên suốt 5 chương trong cuốn sách là những trải nghiệm và trăn trở của tác giả vừa trong vai trò người bố vừa trong vai trò chuyên gia.
Ở chương 1, Chỉ có những ông bố bận rộn mới làm được, bằng việc phác họa các tuýp phong cách sống và làm việc: Vụng về, hiền lành, người của công việc…, tác giả đã đúc kết ý tưởng “hiệu suất hóa công việc” hoàn toàn có vấn đề. Bởi ngay từ ban đầu, ý nghĩ “tăng hiệu suất công việc có thể tăng thêm thời gian dành cho gia đình là một ảo tưởng nguy hiểm”. Việc theo đuổi thời gian – một đại lượng tuyệt đối chẳng khác nào sự thách thức một giới hạn. Từ đó, chỉ ra rằng: Muốn thời gian dành cho gia đình trở nên đầy đủ và ý nghĩa, việc cần làm trước hết, không phải là tăng số giờ lên (“chất”), mà là tăng chất lượng (“lượng”) thời gian chia sẻ cùng nhau.
Sang chương 3 giây quyết định, tác giả giải thích tại sao bằng những cuộc nói chuyện với con dù chỉ mấy giây thôi cũng có thể khiến con luôn ôm giữ hình ảnh của bố. Chính vì không có thời gian gần gũi cùng con, nên bố mới thấy được những mặt khác của trẻ mà mẹ không thấy được nên trong nhiều trường hợp, sử dụng “bảo bối” các câu nói mà Ota đưa ra: “Mỗi ngày được nhìn thấy con, bố vui lắm”; “Con là báu vật của bố”; “Ý tưởng của con hay lắm”; “Con tìm hiểu rồi dạy lại cho bố nhé”, “Có bố ở đây là không sao hết”; “Bố đã rất lo lắng”, “Bố rất buồn”… sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp con trưởng thành mạnh mẽ.
Ở chương 3, Chỉ 3 phút cũng vui, chỉ rõ: Nếu mẹ là chuyên gia trong việc "nuôi con" thì bố cũng phải trở thành chuyên gia trong việc trở thành "người bạn của con". Ota coi rằng những trò chơi chính là cách rèn luyện sự tự chủ nên các ông bố hoàn toàn yên tâm bỏ túi “bảo bối hành động” đơn giản, tiết kiệm: đấu kiếm bằng giấy basoi, bịt mắt đi trong mê cung, leo lên người bố… để có thể nuôi trẻ khỏe mạnh về thể chất lẫn tâm hồn.
Nếu chương 4 hướng dẫn các thủ thuật tạo ra quãng thời gian 3 phút mỗi ngày dành cho con thì chương 5 trình bày chi tiết về những tâm sự của các ông bố mà phần nhiều liên quan đến mối quan hệ với vợ; sự phối hợp với vợ trong việc nuôi dạy con. Ota quan niệm, chính nhờ sự khác nhau về giá trị sống của bố mẹ mà con trẻ mở rộng sự hiểu biết, hình thành nên cá tính của riêng mình.
“Thời gian thực ra cũng uyển chuyển như nước. Nếu biết học cách sử dụng thời gian dành cho gia đình một cách có ý nghĩa thì bạn sẽ không còn bị công việc chi phối nữa, vì dù thời gian có hạn hẹp thì trong quãng thời gian hạn hẹp đó, bạn và cả gia đình vẫn có thể biến nó thành một quãng thời gian thực sự có ý nghĩa để ai cũng cảm thấy hài lòng”, Ota viết. Tương lai, một người cho dù có gặt hái được thành công như thế nào trong xã hội, có được sự trọng vọng hay tài sản nhiều bao nhiêu, nhưng nếu bản thân không cảm thấy hạnh phúc thì đó là vì tâm hồn người đó đã trống rỗng.
Bọn trẻ, giống như một cái cây, hãy chăm sóc cẩn thận khi chỉ là một cái mầm xanh hi vọng. Nên nhớ, đừng bận rộn khi yêu thương chưa đủ đầy. Chỉ cần 3 phút thôi, không phải vội vàng, từng chút từng chút một, bố sẽ hiểu thời gian dành cho gia đình, chất quan trọng hơn lượng, từ đó, muốn dành cho con thời gian nhiều hơn thế nữa.
3 phút cho ông bố bận rộn do La Minh Nhật dịch, NXB Thế giới và 1980Books phát hành.