Chiều 15/8, Văn phòng Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.
Bản sao này thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành Công an.
Đồng thời, trong tháng 8/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Giấy biên nhận nêu trên, bảo đảm chặt chẽ và chỉ cấp 01 bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Thời gian qua, chủ các phương tiện giao thông rơi vào tình trạng “khóc dở” vì bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt xe không có giấy tờ gốc. Có hàng trăm ngàn trường hợp tổ chức, cá nhân phải vay ngân hàng mua xe bằng tài sản thế chấp là chính phương tiện giao thông đó. Phía ngân hàng giữ các giấy tờ gốc để đảm bảo nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Theo Nghị định 46 về xử phạt hành chính vi phạm giao thông, người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Theo ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp), có khoảng 1,3 triệu ô tô đang thế chấp giấy tờ gốc tại ngân hàng. Cục này đã có báo cáo gửi Chính phủ để có phương án giải quyết “thế bí” của người vay ngân hàng mua ô tô có thế chấp bản gốc giấy đăng ký xe và bị cảnh sát giao thông xử phạt.