Đừng coi thường hắt hơi, sổ mũi kèm theo khó thở

11/09/2015 - 16:19
Thời tiết trở lạnh, nhiều người chủ quan với hắt hơi, sổ mũi. Theo nhiều chuyên gia y tế, đây là suy nghĩ sai lầm vì cúm thường như cúm B, A/H1N1 cũng dễ gây biến chứng, thậm chí tử vong

Bằng chứng là 1 bé gái 12 tuổi, ở Vĩnh Phúc, tử vong sau khi nhiễm virus cúm B. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện của các triệu chứng cúm thông thường như đau họng, ho và sốt nhẹ. Sau đó, cơn sốt tăng dần, kèm theo hiện tượng khó thở nên gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện (BV) tại địa phương khám. Chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện phổi trái của bệnh nhân trắng xóa và lan dần sang phổi phải, kèm theo hiện tượng suy hô hấp. Vì thế, bệnh nhân được chuyển xuống BV Bệnh Nhiệt đới TƯ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng nên được cho thở máy và dùng thuốc Tamiflu theo phác đồ điều trị hội chứng cúm. Tuy nhiên, sau gần 2 giờ cấp cứu, diễn biến của bệnh nhi xấu dần, ôxy máu xuống thấp, suy đa phủ tạng rồi tử vong. Theo bác sĩ Cấp, diễn tiến bệnh ở cháu bé nhanh hơn nhiều do với những trường hợp nhiễm virus cúm thông thường trước đó. Nhiều chuyên gia y tế nhận định, không loại trừ virus cúm thường đang ngày một nguy hiểm.

Trong năm 2014, còn nhiều trường hợp tử vong do virus cúm thông thường khác. Trước đó, tại Khánh Hòa, một bệnh nhân 30 tuổi, nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, một thai phụ 26 tuổi, ở Thanh Hóa đã tử vong, sau 7 ngày điều trị tích cực cúm A/H1N1 tại BV này.

 Các bậc phụ huynh cần hết sức thận trọng kể cả khi trẻ chỉ mắc cúm thường

 Chớ chủ quan!

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, cùng cúm B, cúm A/H1N1, chủng cúm mùa thông thường còn có cúm A/H3N2. Hầu hết người nhiễm các chủng cúm trên, bệnh diễn tiến nhẹ và thường tự khỏi. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, bởi bất cứ chủng cúm nào cũng có nguy cơ gây tử vong, trong đó cúm B thường gây bệnh nặng hơn các chủng còn lại. BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đã tiếp nhận không ít bệnh nhân nhiễm cúm mùa nhưng bệnh diễn tiến nặng. Có trường hợp phải điều trị gần 4 tháng, bằng phương pháp rất hiện đại là kỹ thuật Ecmo (trao đổi khí oxy qua màng ngoài cơ thể- sử dụng máy để hút máu bệnh nhân ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp oxy và thải CO2- thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân), mới khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Cấp, virus cúm tồn tại quanh năm ở nước ta nhưng phát triển mạnh vào mùa đông và mùa xuân. Người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm cúm và khi nhiễm virus này thì bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí dễ bị tử vong. Nếu nhiễm virus trên, người bệnh thường có triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, nhức mỏi... Vì thế, khi có các biểu hiện trên, kèm theo mệt mỏi, khó thở… người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 Virus cúm tấn công mọi người nhưng đặc biệt nguy hiểm với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai...

Hiện đang là thời điểm virus cúm bắt đầu xuất hiện. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như tăng cường sức đề kháng, bằng cách bổ sung các loại vitamin và dưỡng chất; vận động đều đặn, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tránh tiếp xúc với bệnh nhân cúm; đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đến chỗ đông người. Virus cúm lây qua đường hô hấp, qua mũi, họng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, nếu không thận trọng, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Vì thế, để phòng bệnh, cần thường xuyên rửa tay sạch, tốt nhất là bằng xà phòng; giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt. Một trong những biện pháp phòng cúm mùa hiệu quả là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine cúm được chỉ định tiêm ngừa cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi. Sau khi tiêm ngừa khoảng 2 tuần thì vaccine có hiệu quả bảo vệ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm