Tôi có một người bạn, khi mới hơn mười tuổi đã nói chuyện với mẹ về ước mơ cũng như dự định của mình trong tương lai, mẹ anh nghe xong chỉ nói rằng: “Làm gì thì làm, cố mà kiếm nhiều tiền cho bố mẹ bớt khổ. Nhìn nhà mình xập xệ quá rồi, kiếm tiền mà mua nhà mới...”. Lúc đó bạn tôi rất kinh ngạc vì trước đây anh ấy chưa từng cảm thấy căn nhà đang ở “xập xệ”, cũng không nghĩ rằng nhà mình nghèo, cuộc sống khổ. Thế là từ hôm đó trong anh hình thành một sự ám ảnh với tiền, một sự khao khát muốn kiếm nhiều tiền. Sau này trưởng thành anh nỗ lực kiếm tiền rồi cũng mua được cho bố mẹ ngôi nhà mới, tuy nhiên cảm giác lo lắng từ ngày xưa về sự thiếu thốn tiền bạc lại khó có thể gạt bỏ.
Có thể nghèo khó chính là động lực giúp con người ta phấn đấu, nỗ lực, song nếu để tâm lý về sự thiếu thốn đeo bám lâu dài thì lại trở thành điều không hay. Rất có thể khi đã giàu có sung túc, những người vẫn mang tâm lý lo lắng về tiền nong sẽ lây ảnh hưởng sang con cái, thậm chí sợ con mình tiêu tiền vung phí mà than vãn kể khổ rằng nhà mình nghèo khó. Thế là cái nỗi ám ảnh về tiền ấy được truyền từ đời này sang đời khác.
Bố mẹ hãy xác định rằng tiền bạc có thể đến cũng có thể đi, do vậy đừng vô tình gây cho trẻ nhỏ ám ảnh về thứ vật chất không cố định này, quan trọng là làm sao để trẻ sử dụng tiền cho hợp lý.