Dán nhãn con "có vấn đề" khiến con bị xa lánh, khó hòa nhập với tập thể. Ảnh minh họa internet. |
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Wedo-wegood, việc người lớn có thể chỉ vô tình hoặc vì áp lực mà dán nhãn cho con sẽ khiến con tổn thương rất lớn. Tệ hại hơn, từ sự tổn thương dẫn đến việc con chệch hướng cảm xúc và tâm lý nghiêm trọng.
Con phải nghe đi nghe lại suốt những tiết học trên lớp, rồi ngày qua ngày lúc ở nhà rằng “mày có vấn đề” khiến con cũng nghi hoặc nghĩ “mình có vấn đề thật”. Con bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bị cô lập, tẩy chay, bị nhìn với ánh mắt ái ngại và kỳ thị của mọi người rằng “nó không bình thường lắm, nó là đứa có vấn đề”.
Một đứa trẻ chưa có đủ bản lĩnh bị dán nhãn như thế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn và phải gồng mình lên để chống đỡ. Cảm xúc của con vì thế mà căng ra, chai lì trong sự ấm ức, tức giận. Con cảm thấy ngộp thở và phải kích động lên đến cao trào để thoát ra. Tuy nhiên, không có ai bên con, con đành chấp nhận trong sự bất lực.
Việc "dán nhãn" vô tình đôi khi biến con thành đứa trẻ "có vấn đề" thực sự. Ảnh minh họa internet. |
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cũng cho biết, với những đứa trẻ mặc nhiên bị coi là có vấn đề thì sự tổn thương còn khiến con trở nên ngây ngô, buông bỏ. Bởi, ai cũng coi con là có vấn đề khiến con quen nên mặc kệ, phớt lờ và chơi một mình. Không có bạn chơi, con tự ngồi đọc sách, vẽ hoặc lang thang sân trường, ngó nhóm này một chút, ghé nhóm khác một chút.
Con lủi thủi cả ngày như thế, không được nói chuyện, chia sẻ nên khả năng nói ngày càng kém đi. Không có ai chơi cùng nên con cũng không biết chơi như thế nào. Tự chơi một mình, không giao tiếp cùng ai khiến con thiếu hụt nhiều kỹ năng cần thiết. Từ một đứa trẻ bình thường chỉ vì câu dán nhãn vô tình, con trở thành đứa trẻ “có vấn đề” thực sự.
Thế nên, người lớn, cha mẹ, đừng vì áp lực, đừng vì thất vọng về con mà dễ dàng dán nhãn con “có vấn đề”. Vì điều đó có thể thui chột tương lai tươi đẹp mà lẽ ra con phải có.