Những lời khen phóng đại, cường điệu có thể khiến trẻ thêm thu mình vào vỏ ốc và không tránh được tâm trạng lo lắng. Những nhà nghiên cứu nhìn nhận rằng lời khuyên này có thể hoàn toàn trái ngược với nhận thức mang tính cảm tính của các bậc phụ huynh từ trước đến nay. “Những lời khen cường điệu có thể mang lại tác dụng ngược đối với những đứa trẻ, những người cần được khen hơn ai hết, những đứa trẻ ít tự tin vào bản thân mình!”, Eddie Brummelman, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 144 phụ huynh (chủ yếu là các bà mẹ). Những bậc phụ huynh này đã giao cho con mình làm 12 bài kiểm tra Toán có tính thời gian. Các nhà nghiên cứu đã đếm số lần những bậc phụ huynh khen con mình và phân loại để biết lời khen nào là chân thực, lời khen nào là thái quá.
Kết quả cho thấy: Trung bình, các bậc phụ huynh đề cao con của họ khoảng 6 lần trong suốt thời gian diễn ra khảo sát; khoảng 25% những lời bình luận là lời khen đã được cường điệu hóa và phần lớn các lời khen dạng này đều hướng tới những đứa trẻ hay tự ti.
“Những bậc phụ huynh có lẽ đã nghĩ rằng những đứa trẻ ít tự tin vào bản thân cần nhiều hơn nữa những lời khen để chúng có thể cảm thấy tốt hơn, tự tin hơn”, Brad Bushman, trường ĐH bang Ohio và là đồng tác giả của nghiên cứu này, nhìn nhận. “Không có gì là khó hiểu khi những người lớn làm như vậy, nhưng dựa trên nghiên cứu đã được tiến hành, chúng tôi có thể khẳng định rằng những lời khen được cường điệu hóa như thế sẽ có tác dụng ngược với bọn trẻ. Điều đó vô cùng bất lợi cho những đứa trẻ vốn đã không tự tin vào chính mình”, Brad nói.
Cũng trong thí nghiệm này, 240 đứa trẻ được yêu cầu vẽ lại bức tranh nổi tiếng "Hoa hồng hoang dã" của Van Gogh và nhận được phản hồi từ một người được giới thiệu là họa sĩ nổi tiếng. Sau đó, chúng được yêu cầu vẽ vài bức tranh khác nhưng có thể chọn bất cứ bức nào. Chúng biết rằng một vài bức khá dễ vẽ, song chúng sẽ không học được gì nhiều; trong khi vài bức khác khó hơn và “các con có thể mắc lỗi nhưng chắc chắn chúng sẽ học được rất nhiều”.
"Những đứa trẻ tự tin đã được khen quá nhiều thường chọn bức tranh dễ hơn, trong khi các đứa trẻ tự ti thường chọn những bức tranh khó. Thông tin tìm được cũng cho thấy những lời khen thái quá sẽ đặt gánh nặng cũng như áp lực lên bọn trẻ", Brummelman kết luận. Bài học từ nghiên cứu này là, những bậc phụ huynh cần tự mình chống lại thói quen khen trẻ quá nhiều khi chúng cảm thấy tự ti.
Lãnh đạo của hội phụ huynh đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với những nghiên cứu này. Margaret Morrissey, Hội phụ huynh Parents’ Outloud, nói rằng bà không tin tưởng lắm vào việc phân chia những đứa trẻ thành 2 nhóm, ít tự tin và nhiều tự tin. Tuy nhiên, bà Margaret cũng nói thêm: Người lớn thường tặng những đứa trẻ những lời khen "có cánh" bằng cách khen chúng thật nhiều và nói “con làm rất tốt”, “điều đó quả thực rất tuyệt”. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể thành thật khi nói rằng: “Con đã làm rất tốt nhưng con có thể làm điều đó tốt hơn mà!”.
John Drewicz, Chủ tịch Hội các nhà tâm lý giáo dục, cho biết ông không ngạc nhiên về kết quả của nghiên cứu này, mặc dù ông cảm thấy phản ứng của một đứa trẻ ít tự tin có thể là “không tin”. Chúng cho rằng đó là những lời nói ngớ ngẩn và bạn cần chỉ ra điểm mà mình thực sự cho rằng chúng đã làm tốt.