Dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh thủy đậu: Nên hay không?

QN
14/01/2021 - 13:41
Dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh thủy đậu: Nên hay không?
Thủy đậu là căn bệnh do nguyên nhân virus gây nên, do đó thuốc kháng sinh không phải là chỉ định thường quy khi điều trị bệnh. Thuốc chỉ được dùng khi bệnh nhân có biểu hiện của tình trạng bội nhiễm xảy ra.

1. Điều trị bệnh thủy đậu có cần dùng kháng sinh không?

Như chúng ta đã biết, bệnh thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm do Varicella Zoster Virus gây nên, chứ không phải là một căn bệnh do nhiễm khuẩn thông thường gây nên. Trong khi đó, thuốc kháng sinh lại là những chất được tổng hợp, chiết xuất có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn (kháng sinh kiềm khuẩn) hoặc tiêu diệt vi khuẩn (Kháng sinh diệt khuẩn). Do đó, về cơ bản thì thuốc kháng sinh không có hiệu quả tiêu diệt được tác nhân gây bệnh là virus như đối với thủy đậu và không thể điều trị bệnh.

Vì thế, việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh thủy đậu với mục đích tiêu diệt tác nhân gây bệnh và giúp bệnh nhanh khỏi hơn là không cần thiết. Thậm chí, do kháng sinh là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ và rất dễ gây dị ứng (thậm chí gây sốc phản vệ), nên việc sử dụng kháng sinh bừa bãi chỉ làm gia tăng thêm các tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân.

Bạn có thể tham khảo báo cáo về các Tác dụng phụ của thuốc điều trị thủy đậu có thể xảy ra này.

Trên thực tế, trong điều trị bệnh thủy đậu cũng có một số các trường hợp ngoại lệ mà bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh. Những trường hợp này đều là những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Ban đầu nhóm thuốc kháng sinh có thể được lựa chọn dựa theo kinh nghiệm của bác sĩ điều trị, tuy nhiên nếu điều trị đáp ứng kém thì cần dựa theo kết quả kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc kháng sinh thích hợp.

Chính vì thế, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh thủy đậu khi chưa có các chỉ định của bác sĩ để tránh gây nhiều tác dụng không mong muốn.

Dùng thuốc kháng sinh điều trị bệnh thủy đậu: Nên hay không? - Ảnh 1.

Thuốc kháng sinh điều trị bệnh thủy đậu chỉ được dùng khi có biểu hiện của tình trạng nhiễm khuẩn (Ảnh: Internet)

2. Nên sử dụng thuốc gì để điều trị bệnh thủy đậu?

Hiện nay, bệnh thủy đậu vẫn là căn bệnh chưa có thuốc đặc trị, tất cả các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh thủy đậu đều chỉ là các thuốc điều trị không đặc hiệu (thuốc điều trị hỗ trợ, giảm nhẹ triệu chứng,...). Một số nhóm thuốc thường dùng trong điều trị bệnh thủy đậu bao gồm:

- Thuốc kháng virus: Acyclovir là thuốc kháng virus được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh thủy đậu, có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của virus gây bệnh trong khi không làm ảnh hưởng đến tế bào lành của bệnh nhân. Điều này giúp cải thiện tiên lượng bệnh, ngăn bệnh tiến triển nặng. Liều lượng thuốc có sự thay đổi giữa nhóm bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường và nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (do thuốc, do bẩm sinh hoặc do mắc phải).

- Thuốc hạ sốt: Bệnh nhân thủy đậu thường được cho sử dụng thuốc paracetamol để hạ sốt nếu có sốt từ 38,5 độ C. Khi sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì không nên lạm dụng thuốc để hạ sốt mà có thể dùng khăn lau mát,... để hạ sốt cho bệnh nhân. Tuyệt đối không sử dụng aspirin để hạ sốt trong điều trị thủy đậu vì thuốc có thể gây hội chứng Reye.

Nhìn chung, khi trẻ bị sốt do thủy đậu, phụ huynh có thể kết hợp hỗ trợ bằng các phương pháp sau.

- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin như Clopheniramin, loratadin,... Có thể được sử dụng để giảm ngứa ngáy tại các khu vực phát ban do bệnh thủy đậu.

- Thuốc sát khuẩn ngoài da: Các mụn nước đã vỡ trên da của bệnh nhân thủy đậu có thể là đường vào cho vi khuẩn gây bệnh, gây nên tình trạng bội nhiễm. Do đó các thuốc sát khuẩn ngoài da như xanh methylen có thể được dùng để làm sạch da của bệnh nhân, tránh nhiễm khuẩn.

Qua đây có thể thấy rằng, thuốc kháng sinh không phải là chỉ định thường quy cho bệnh nhân trong điều trị bệnh thủy đậu. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh thủy đậu nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm