Mối tình thiêng liêng ấy vẫn hiển hiện ở miền quê lúa Thái Bình cùng bà Đặng Thị Xơ - vợ của liệt sỹ Huỳnh. “Lúc anh Huỳnh lên đường vào chiến trường, anh có nói với tôi, nếu anh có trở về không lành lặn thì em đừng hắt hủi anh nhé. Tôi bảo rằng, anh cứ yên tâm đi chiến đấu, em đã là vợ anh thì sẽ trọn đời yêu anh” - Bà Đặng Thị Xơ nhớ lại.
Bà không thể ngờ rằng, ngay cả việc được đón anh trở về, dù không lành lặn, cũng trở thành một ước mơ quá đỗi xa vời. Sau ngày nhập ngũ, anh theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị, mảnh đất khốc liệt nhất những năm 1972 - 1973. Và anh đã mãi mãi nằm lại nơi đó, không bao giờ trở về như anh đã hứa. Anh hy sinh vào ngày 2/1/1973, đúng kỷ niệm tròn 1 năm ngày cưới.
Mỗi lúc nhớ chồng, bà Xơ lại mang thá thư, kỷ vật duy nhất còn lại của anh ra đọc và khóc một mình |
Bà Đặng Thị Xơ cho biết, thực hiện lời căn dặn của anh trong lá thư cuối cùng ấy, cả gia đình đã nhiều lần vào Quảng Trị tìm mộ anh, nhưng không thấy. Chiến trường xưa giờ đã là bãi sắn mênh mông của một người nông dân tên Hậu.
May sao, ngày nọ, bà vui mừng khôn xiết khi người đàn ông ở vùng này này đưa ra hai tấm bia, trong đó có tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Nhưng những nỗ lực đào bới của mấy ngày sau đó vẫn không mang lại kết quả gì. Người chỉ huy đội quy tập mộ liệt sỹ ở Quảng Trị ái ngại bảo bà: Nếu không tìm thấy anh ấy ở đây, cô Xơ định thế nào?, bà bảo: “Tôi vẫn còn hơn một người mẹ khác ở Quảng Trị đã sang Lào tìm mộ con cả đời người mà không tìm được, tôi vẫn hơn bà mẹ ấy là còn tìm thấy tấm bia khắc tên của anh ấy đem về”.
Những dòng thư căn dặn mẹ và vợ của người lính trước ngày hy sinh như một khúc tâm tư cuối cùng gửi lại quê nhà |
Dù vậy, bằng dự cảm, bà nghĩ, chắc chắn anh nằm đâu đó trên vườn sắn này, có khi phải mua cây sắt P6 thuốn xuống đất xem sao. Đúng như dự đoán, mấy ngày sau, đồng đội đã tìm thấy cả 3 liệt sỹ, trong đó có anh Huỳnh. Địa phương đã đến làm lễ truy điệu và đưa hài cốt anh về quê.
Sau đúng 29 năm đi tìm hài cốt chồng, đến năm 2003, bà đã đưa được anh trở về quê hương mình: “Tôi đã mong đợi suốt 29 năm trời, giờ mới nhìn thấy anh ấy. Tôi mừng đến run người, nước mắt cứ thế tuôn trào”-giọng bà run run.
Hiện bà Xơ đang sống ở ngôi nhà tình nghĩa được Hội Liên hiệp Phụ nữ quân cảng Sài Gòn góp tiền xây tặng năm 2000, ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong ngôi nhà đó, một hình ảnh đối lập khiến ai bước vào cũng thấy xót xa. Nếu như liệt sỹ Lê Văn Huỳnh vẫn sống mãi tuổi thanh xuân với bức di ảnh trên bàn thờ chụp lúc anh 17 tuổi thì chị Xơ (vợ anh) nay đã 64 tuổi và mái tóc đã bạc tới nửa phần.
Những dòng nước mắt cứ lăn dài trên má, nhưng giọng bà vẫn tự hào khi nhớ về chồng mình: Chúng tôi yêu nhau hơn 3 năm, khi ấy anh là sinh viên Khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đầu năm 1972, nhân dịp nghỉ Tết Noel, chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới. Chỉ vỏn vẹn có 6 ngày làm một cô dâu hạnh phúc, bà phải gạt nước mắt tiễn chồng lên đường. Bóng anh khuất đầu làng, bà mới giật mình nhớ ra, cả hai vợ chồng không có lấy một tấm ảnh chung. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhìn ảnh cưới của người khác, lòng bà lại đau thắt, tiếc nuối.
Mỗi lần nhớ chồng, bà lại đem bức thư ra đọc và không biết bao đêm bà đã thức trắng vì nhớ thương anh. Lá thư sau này được gia đình tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị (năm 2003), nhưng bà vẫn cất giữ cẩn thận một bản photo, ép plastic và coi đó là một kỷ vật vô cùng thiêng liêng. Trong bức thư đó, anh Huỳnh khuyên vợ đi bước nữa, nhưng bà quyết định ở vậy thờ chồng chỉ mới một lời hứa trọn đời là vợ anh. Bà bảo: “Tôi chỉ tiếc là chưa kịp có con với anh, dù là trai hay gái, dù con có lành lặn hay không thì tôi vẫn hạnh phúc biết chừng nào. Bây giờ, tôi chẳng mong gì, chỉ mong có sức khỏe để sống và thờ cúng anh ấy chu đáo, để anh linh của anh thanh thản, yên bình nơi chín suối”.
(Kỳ cuối)