Em bé đầu tiên chào đời từ mang thai hộ

22/01/2016 - 09:18
Bé gái nặng 3,6kg chào đời bằng phương pháp mổ sinh, được gia đình đặt tên là Đinh Quỳnh Anh.

Lúc 7h20 ngày 22/1, em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại BV Phụ sản TƯ, bằng kỹ thuật mổ sinh, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trực tiếp thực hiện.
Đón bé từ tay bác sĩ, chị N.T.H (Hà Nam), đã bật khóc. Chị bảo, đứa con này gia đình đã chờ suốt 16 năm qua, đến nay mới thành hiện thực.
Theo chị H. khi biết Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi cho phép mang thai hộ và Nghị định số 10/2015 hướng dẫn thi hành có hiệu lực, gia đình chị đã lập tức làm hồ sơ mang thai hộ. Thấu hiểu với hoàn cảnh gia đình chị, một người nhà (46 tuổi) đã đồng ý giúp. Sau 3 tháng, vợ chồng chị đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ và được BV chấp nhận. Sau đó, các bác sĩ BV Phụ sản TƯ cùng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia thực hiện mang thai hộ. “Hơn 9 tháng qua, gia đình tôi ăn ngủ không yên, chỉ lo người mang thai hộ và đứa trẻ có xảy ra biến cố. Trước ca mổ, gia đình thắp hương cầu mong tổ tiên phù hộ. Phải đến ngày hôm nay, khi được tận tay bế đứa bé, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, chị H. chia sẻ.
Vợ chồng chị H. kết hôn đã 16 năm. Tuy nhiên, do chị H. không có tử cung nên không mang thai được, còn người chồng vẫn bình thường. Sau khi được các bác sĩ tư vấn, gia đình đã quyết định thực hiện mang thai hộ.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thứ 2 từ phải sang, người trực tiếp thực hiện ca mổ, chia sẻ niềm vui với gia đình

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết ca mổ được tiến hành thuận lợi, không gặp biến chứng gì. Sau 20 phút, bé Quỳnh Anh chào đời, nặng 3,6kg. Bé khóc rất to, trong niềm vui mừng của các y bác sĩ và người nhà.
Cũng theo GS. Tiến, hiện tại cả nước đã có gần 100 hồ sơ được duyệt, riêng BV Phụ sản TƯ là hơn 60 hồ sơ. Hiện bản đồ y học thế giới về mang thai hộ đã có tên Việt Nam.
So với thụ tinh ống nghiệm, mang thai hộ thường lấy noãn khó hơn. Một số trường hợp nếu lấy noãn kích thích buồng trứng thì nguy cơ tai biến rất cao nên không thực hiện được vì đảm bảo an toàn cho người mang thai.
GS Tiến cũng cho biết, khi luật đã được ban hành, Bộ Y tế rất thận trọng, nên chỉ cấp phép cho 3 trung tâm của 3 miền thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Nguyên nhân bởi do số lượng bệnh nhân cần làm mang thai hộ chưa nhiều, hơn nữa, trung tâm được chọn phải có kinh nghiệm.
Trong quá trình thực hiện luật, đã bộc lộ một số bất cập. Ví như luật chỉ cho phép mang thai hộ cho người chưa có con. Đây là điều chưa hợp lý, vì nếu đứa trẻ tật nguyền không do di truyền mà như tai biến sản khoa, sang chấn thì đứa trẻ sinh ra vẫn bình thường. Ngoài ra, còn một số thủ tục, quy định khác chưa hợp lý, chúng tôi đang tiếp nhận phản ánh từ người dân để tổng hợp và đề nghị sửa đổi  .

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm