Ra đời vào tháng 12/2018, khi đó, Saybie chỉ mới được 23 tuần, 3 ngày và nặng 244 gram, tương đương với một quả táo to.
Sau khi được chăm sóc bởi đội ngũ hỗ trợ sự sống tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ sơ sinh Sharp Mary Birch ở San Diego, California, Mỹ, Saybie đã ngay lập tức được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
Saybie là cái tên mà đội ngũ y tế đã đặt cho cô gái nhỏ. Hiện, sau 5 tháng chăm sóc và ổn định, hồi đầu tháng, Saybie đã được xuất viện với cân nặng 2,54kg, tương đương một túi gạo nhỏ.
Mẹ của Saybie (yêu cầu được giấu tên) chia sẻ, trước khi sinh Saybie, cô đã cảm thấy “không thoải mái” trong khoảng một tuần, nhưng cô chỉ nghĩ đó chỉ là dấu hiệu bình thường của thai kỳ.
Khi đến bệnh viện để kiểm tra, cô được cho biết mình bị tiền sản giật (một biến chứng thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao) và phải sinh mổ khẩn cấp.
Mẹ của Saybie nói trong một video: “Tôi nói với họ: 'Con tôi sẽ không thể sống sót. Con tôi mới 23 tuần'. Đó là ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi”.
Bác sĩ Paul Wozniak, Giám đốc y khoa về y học sơ sinh tại bệnh viện Sharp Health, cho biết khi Saybie chào đời, cô bé nhỏ hơn nhiều so với dự đoán của bác sĩ.
“Nhịp tim bé rất mạnh, hơn 100 nhịp/phút, nhưng may mắn thay, chúng tôi đã có thể đặt ống thở cho bé”, bác sĩ Paul nói với DailyMail.com.
Tại Mỹ, gần 1/10 trẻ sơ sinh bị sinh non (em bé ra đời sớm ít nhất 3 tuần hoặc trước tuần thai 37). Trẻ sinh non chịu rủi ro cao hơn về các vấn đề hô hấp, ăn uống và dễ bị nhiễm trùng hơn.
Theo March of Dimes - một tổ chức phi lợi nhuận về cải thiện sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh, sinh non là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cái chết của trẻ sơ sinh ở Mỹ.
Theo dữ liệu từ Cơ quan đăng ký Tiniest Babies do Đại học Iowa điều hành, Saybie là trẻ sơ sinh nhỏ nhất còn sống trên thế giới.
Trước Saybie, em bé nhỏ nhất thế giới còn sống sót là một bé gái đến từ Đức, sinh năm 2015, chỉ nặng 252 gram.
Mẹ của Saybie nhớ lại: “Các bác sĩ nói với chồng tôi, chúng tôi chỉ có khoảng một giờ với con và con tôi sẽ qua đời. Nhưng một giờ đó đã biến thành 2 giờ, rồi biến thành một ngày, biến thành một tuần”.
Vì sinh non trước 28 tuần nên Saybie gặp nhiều vấn đề y tế hơn trẻ sinh thiếu tháng khác, bao gồm chảy máu não và chức năng tim kém. Tuy nhiên, theo bệnh viện Sharp Mary Birch, Saybie đã trải qua quá trình chăm sóc và ổn định mà không gặp bất kỳ vấn đề nào trong số đó.
Bác sĩ Paul thừa nhận mặc dù Saybie rất ốm, đặc biệt là trong tuần đầu tiên khi mới chào đời, nhưng cô bé đã phát triển khá tốt.
“Cô bé vô cùng may mắn khi không bị chảy máu não hay nhiễm trùng nhưng chúng tôi không biết liệu cô bé có sống sót được hay không. Người bố thường xuyên đến và hỏi liệu con anh ấy có vượt qua được không, và chúng tôi chỉ nói bé làm tốt một cách đáng ngạc nhiên nhưng chúng tôi vẫn phải theo dõi”.
Một nghiên cứu vào năm 2015 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ sống sót của trẻ sinh thiếu tháng đã tăng từ 5 đến 9% trong 3 thập kỷ qua do những cải thiện trong dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh.
“Khi tôi được đào tạo, với những đứa trẻ được sinh ra ở tuần thai 28 hoặc trước đó, chúng tôi thậm chí còn không cố gắng để cứu các bé. Nhưng công nghệ đã thay đổi. Đây là một phép màu thực sự, sự kết hợp giữa kỹ năng và may mắn. Không phải mọi em bé sinh non thế này đều sống sót và tồn tại mà không có biến chứng”, bác sĩ Paul nói.
Ông cũng nói thêm rằng Saybie sẽ được theo dõi lâu dài, ít nhất 6 tháng một lần và theo dõi sự tiến bộ của cô cả trong các năm học sau này. Các bác sĩ sẽ phải kiểm tra xem liệu cô bé có gặp bất kỳ vấn đề gì về thị giác, thính giác hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự phát triển...