Formosa, URC và chuyện gieo 'nhân lành' thu 'trái đắng'

30/08/2016 - 10:17
Gieo nhân nào thu quả ấy, nhân lành tất thu trái ngọt. Tuy nhiên, với trường hợp của Formosa Hà Tĩnh và URC Việt Nam dường như không theo qui luật này...
1- Trong những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến kết quả được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia vừa báo cáo Bộ Y tế về những mẫu cá kiểm nghiệm lấy ngày 5/8 tại Gò cá Cẩm Nhượng (vùng biển Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - gần khu Vũng Áng): Có 5 mẫu nhiễm xyanua và 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol.
a1.jpg
Gò cá Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - nơi được lấy mẫu hải sản xét nghiệm và phát hiện bị nhiễm phenol, cyanua

Vậy là câu hỏi về việc cá ở biển Hà Tĩnh đã ăn được chưa sau vài tháng Formosa xả thải cũng đã có lời đáp. Tất nhiên, đó là một kết quả không được mong đợi.

Ngần ấy ngày sau khi Formosa xả thải khiến "biển đau" cũng là ngần ấy ngày những ngư dân tại vùng biển miền Trung "đau". Và đến giờ mấy người có thể có đáp án cho câu hỏi: "Nỗi đau Formosa" sẽ còn kéo dài đến bao giờ?

Những có lẽ, với những ai biết rằng khi mới vào Việt Nam, Formosa đã được ưu ái khiến cho tất cả các doanh nghiệp trong nước phải "thèm" như thế nào thì "nỗi đau Formosa" ấy thực sự là "một trái đắng".

Là một doanh nghiệp FDI có số vốn đầu tư lớn bậc nhất ở Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khi ấy là ông Võ Kim Cự đã ký một văn bản gửi doanh nghiệp này trong đó có những lời hứa ưu đãi rất lớn về thuế.

Formosa được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Không chỉ vậy, khi dự án đi vào hoạt động, Hà Tĩnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Còn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế, thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm. Ngoài ra, Formosa còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyển dùng để tạo tài sản cố định của dự án…

Dù vấn đề cấp phép đầu tư 50 năm hay 70 năm được dư luận quan tâm nhưng có lẽ, nó chỉ có ý nghĩa trong việc truy trách nhiệm cá nhân bởi, mới chỉ vào Việt Nam chưa đầy 10 năm, Formosa đã gây ra một sự cố môi trường khủng khiếp... cả khi chưa đi vào sản xuất. Vấn đề nằm ở chính cách hành xử của doanh nghiệp đối với nơi đã hết sức tạo điều kiện cho đầu tư.

2-Cũng là một doanh nghiệp FDI, cách đây chưa đầy 2 tháng, URC Việt Nam cũng khiến dư luận hoang mang, sợ hãi khi buộc phải ra quyết định thu hồi hơn 40.000 thùng nước uống C2, Rồng Đỏ có nhiễm chì và phải nộp phạt một khoản tiền không nhỏ.

a4.jpg
Vẫn còn hàng trăm nghìn chai nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì không được thu hồi

Tuy nhiên, con số thu hồi được chỉ có 3% con số trên. Còn 97% con số  40.000 thùng với tổng giá trị gần 3,9 tỷ đồng đã "một đi không trở lại". Cuối tháng 5/2016, cơ quan chức năng đã giám sát việc tiêu hủy khoảng 10 tấn C2, Rồng Đỏ không đạt chất lượng. Đó cũng là một quả đắng mà URC dành cho người tiêu dùng Việt Nam dù doanh nghiệp này cũng được ưu ái không ít.

Tại thời điểm tháng 10/2015, dự án xây dựng nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội) đã bị phát hiện xây dựng trái phép và cuối quý 1 năm 2016, Bộ TN&MT cho biết vẫn đang giám sát sai phạm tại URC Hà Nội.

Nói về việc xử lý sai phạm này, ông Nguyễn Đồng Tâm, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đưa ra hai thông tin khiến nhiều doanh nghiệp trong nước khác phải thèm thuồng.

Thứ nhất, Công ty URC là doanh nghiệp FDI có tổng mức đầu tư lớn tại Hà Nội (38 triệu USD), nếu xử lý mạnh tay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Thứ hai, vì lý do trên, cuối năm 2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản đề xuất UBND TP. Hà Nội cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch từ đất dùng cho bãi rác và kho tàng thành đất công nghiệp theo hướng hợp thức hóa sai phạm cho Công ty URC Hà Nội. Tháng 6/2010, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chấp thuận cho điều chỉnh lại quy hoạch và giao cho chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hà Tây trình các phương án cụ thể điều chỉnh quy hoạch cục bộ để UBND TP phê duyệt.

Chỉ là 2 "con sâu" làm rầu nồi canh nhưng có lẽ hình ảnh "doanh nghiệp FDI" đã không còn trọn vẹn trong mắt nhiều người Việt Nam. Do mong muốn địa phương phát triển, các địa phương có doanh nghiệp FDI đầu tư vào đã tạo ra quá nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp, thậm chí còn tìm cách "lách luật", vượt luật để công ty có được thuận lợi phát triển. Tuy nhiên, những công ty này đã báo đáp lại những sự ưu ái đó "quá mức cần thiết", không chỉ chính quyền địa phương được báo đáp mà người dân cũng phải chịu trận.

Có lẽ đã đến lúc cách đối đãi với các doanh nghiệp FDI cần phải công bằng hơn so với các doanh nghiệp trong nước như PGS, TS. Trần Đình Thiên nói "cơ bản là không nên hỗ trợ, các dự án FDI nên ưu đãi ít thôi, thậm chí không có ưu đãi thì mới bình đẳng, trừ những trường hợp rất đặc biệt".

Và chỉ khi cạnh tranh công bằng, sự khốc liệt của thương trường như chiến trường mới "rèn" những doanh nghiệp biết tôn trọng lợi ích của người dân ở nơi họ "đóng quân" thành những "ông lớn" trên thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm