Gà trong tín ngưỡng và văn hóa Việt

27/01/2017 - 11:54
Từ xa xưa, con gà đã có mặt trong đời sống dân gian Việt Nam và giữ một ví trí quan trọng. Hình ảnh của nó còn lưu lại trong nhiều tập tục, tác phẩm văn hóa - nghệ thuật cho đến ngày nay.

Trong quan niệm tâm linh và biểu tượng triết mỹ phương Đông, hình tượng con gà là biểu tượng về những phẩm chất, khí tiết của người quân tử, tượng trưng cho chân thiện mỹ, nhân sinh và thời gian, tuần hoàn vũ trụ với ánh sáng xua tan bóng tối.

Trong thần thoại người Việt, một loại hình nghệ thuật của thời nguyên thuỷ, con gà là tướng của ông Trời, một ‘gia tướng’ đã từng được giao nhiệm vụ trừng phạt thần Sét (Thiên Lôi). Truyện ‘Thần Sét’ kể rằng, có lần thần Sét đánh lầm người vô tội dưới thế gian nên bị Trời phạt. Trời bắt thần Sét nằm im ở một góc rừng trên trời và sai gà thần thỉnh thoảng đến mổ một cái đau điếng. Từ khi được tha cho đến mãi sau này, Thiên Lôi cứ nghe thấy tiếng gà là giật mình. Nhân vật Cường Bạo trong truyện ‘Cường Bạo đại vương’ đã lợi dụng nhược điểm này nên khi chuẩn bị đánh nhau với thần Sét đã mang con gà trống theo, và dĩ nhiên chiến thắng trong lần đó. Gà trống với tiếng gáy vang tận đỉnh núi cao làm ma quỷ khiếp sợ, là biểu tượng của thần hộ mệnh, diệt trừ, chế ngự cái xấu. Như vậy, con gà là một con vật linh thiêng trong tư duy người xưa. Nếu trong truyện ‘Thần Sét’, gà là một vị thần thì trong truyện ‘Cường Bạo đại vương’, gà là một con vật thiêng ở trần gian.

4.jpg
 Gà là con vật quen thuộc trong đời sống và văn hóa của người Việt từ xa xưa.

Trong tín ngưỡng dân gian cho tới ngày hôm nay, người dân luôn giữ tập quán cúng tế (cầu xin hoặc tạ ơn) thần linh bằng con gà trống. Còn trong lễ mở cửa mả của người Việt, con gà được dắt đi quanh mộ ba vòng, để gọi hồn người vừa chết.

Con gà là vật thiêng hay con gà là vật hiến sinh có lẽ là dấu ấn của những thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì con người cũng đã dùng con gà làm phương tiện giao tiếp với thần linh.

Trong mỹ thuật cổ Việt Nam, hình tượng con gà đã sớm được phản ánh qua tượng đất nung, tác phẩm điêu khắc bằng đồng vào thời Đông Sơn như  tượng gà tìm thấy ở Vinh Quang (Hà Tây) với hình dáng gà cách điệu đến mức tối giản nhưng vẫn nhận ra là con vật quen thuộc qua những nét tạo hình của đầu, mào, đuôi mang tính nghệ thuật cao. Trong tranh dân gian Việt Nam với các dòng tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh) và tranh dân gian làng Sình (Huế) đều có hình tượng con gà, tuy nhiên ý nghĩa và tính biểu hiện của chúng thì hoàn toàn không giống nhau.

bc-tranh-g-i-ct-tranh-dn-gian-ng-h.jpg
 Gà đại cát - tranh dân gian Đông Hồ.

Con gà xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ với những hình tượng đặc sắc mang nét bình dị chân quê, những gam màu trầm mộc mạc, nhưng mỗi bức tranh lại hàm chứa những ý nghĩa chúc tụng cầu mong, biểu hiện những khát khao, khát vọng cuộc sống của người xưa như tranh Gà đàn, Trống mái với hình tượng gà trống mái và lũ gà con như tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, con cái đầy đàn và quây quần bên nhau sum vầy.

Một trong những tranh xưa  nổi bật và mang ý nghĩa triết lý một cách sâu sắc là tranh Đại cát thể hiện một con gà trống khỏe mạnh với đường nét đầy đặn. Con gà được tạo hình với một chân bước lên trong thế dáng dũng mãnh, hiên ngang, bởi vì đó là hình tượng gà biểu tượng cho 5 đức tính (ngũ đức) cao quý của người quân tử qua sự nhân cách hóa rõ nét. Một là, chiếc mào đỏ tượng trưng cho quan tước (Văn), với sự cầu mong học hành đỗ đạt làm vẻ vang cho gia đình, dòng họ. Hai là, gà gáy đúng giờ buổi ban mai tượng trưng cho phẩm hạnh trung thực, giữ lời, không khuất tất (Tín) mà Nho giáo đề cao. Ba là, gà trống luôn gọi bầy đàn đến ăn khi có mồi, hình ảnh này trở thành biểu tượng của nhân nghĩa (Nhân). Bốn là, gà trống có cựa sắc nhọn, như là binh khí nên đó cũng là hình ảnh của  người võ binh (Vũ). Năm là, gà trống sẵn sàng chiến đấu xả thân bảo vệ bầy đàn, đó cũng là biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường (Dũng).

3.jpg
 Bức Tam dương khai thái - tranh dân gian Đông Hồ.
g-bn-hoa-mu-n-tranh-hng-trng.jpg
 Gà bên hoa mẫu đơn - tranh dân gian Hàng Trống.

Trong tranh Hàng Trống với sự xuất hiện những con gà bên những khóm hoa mẫu đơn biểu hiện cho những mong muốn cuộc sống an lạc, thanh tịnh và còn thể hiện khí chất của người quân tử trong sự hòa hợp với tự nhiên.

Còn trong kho tàng ca dao người Việt, hình ảnh con gà mang nhiều ý nghĩa mà qua đó phản ánh quá trình quan sát, liên tưởng phong phú của tác giả dân gian.

Trước hết, con gà được nhìn nhận như con vật nuôi quen thuộc của người bình dân. Từ góc nhìn này, những đặc điểm cơ bản nhất của con gà đã được ca dao đề cập. Đó là hình ảnh con gà mái nuôi cả bầy con gợi lên bóng dáng của một người mẹ đảm đang:

Con rắn không chân đi rừng bảy rú,

Con gà không vú nuôi chín mười con.

bn-khc-con-g-lng-snh-g.jpg
 Bản khắc con gà tranh làng Sình trên gỗ ở Huế.

Là khát vọng chiến thắng mà người xưa gửi gắm qua thú chọi gà, xuất phát từ đặc điểm bản năng của tạo hóa đó là gà trống thích đá nhau. Trò chơi này thường được làng xã tổ chức trong mùa lễ hội. Có gà trống đá hay là niềm tự hào của một vùng quê:

Gà nào hay bằng gà Cao lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu,

Anh thương em chẳng nại sang giàu…

Gà còn là món gà để thể hiện tấm chân tình:

Sài Gòn xa chợ Mĩ không xa,

Anh đi phải ghé vô nhà,

Nghèo em em chịu, làm gà đãi anh,

Là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, gà đã trở thành một thứ hàng hoá cao cấp đối với người dân quê ngày xưa. Vì vậy ca dao xưa đã nêu lên những kinh nghiệm chế biến thịt gà:

Gà cồ ăn quẩn cối xay,

Rau răm muối ớt xé phay gà cồ,

g-trn-chng-nh-ng.jpg
 Gà trên chương đỉnh đồng ở Huế.

Gà đã gáy hàng ngàn năm sau những luỹ tre nên nó đi vào thơ ca như một biểu tượng của thời gian. Trong ca dao tiếng gà không đơn thuần là dấu hiệu của đêm đang chuyển về sáng mà còn là hình ảnh của một thứ thời gian tâm trạng. Đó là thời điểm hẹn hò, thời gian chờ đợi, là thước đo thời gian trăn trở, nhớ thương (vì chủ thể trữ tình đã không ngủ cho đến lúc nghe tiếng gà…)

Con chim đậu trên núi,

Nó kêu con gà dưới suối,

Gà gáy chầu đôi chầu ba,

Đêm năm canh không ngủ lại ngồi

Trong người thục nữ bồi hồi lá gan.

Miễu thần gà gáy tiếng đôi,

Trông bậu trông đứng trông ngồi,

Trông người có nghĩa bồi hồi lá gan.

Đặc biệt, hình ảnh gà được tác giả dân gian dùng để chỉ sự gắn bó của các thành viên trong gia đình:

Khôn ngoan đối đáp người ngoài;

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Ý nghĩa của câu ca dao không dừng lại ở đó mà hướng tới tình đoàn kết trong cộng đồng, từ xóm làng đến dân tộc.

Từ những dẫn dụ trên cho thấy hình ảnh con gà được tác giả dân gian sử dụng trong tất cả đề tài cơ bản của ca dao: quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, quan hệ xã hội. Điều này cho thấy người bình dân đã từng có những quan sát, tích luỹ được trí thức về loài gà. Quan trọng hơn, loài vật này thực sự giữ một vai trò nhất định trong đời sống vật chất và tinh thần của người bình dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm