Gai nhọn dưới thảm hoa hồng

31/10/2016 - 08:21
Ở tuổi 50, người phụ nữ ấy vẫn phải sống những tháng ngày áp lực bởi lề thói gia đình chồng.
Tỷ lệ các cô gái bị stress, sốc tâm lý, thậm chí rơi vào trầm cảm sau kết hôn, trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ ở một nước đang phát triển như nước ta chắc cũng khá phổ biến. Riêng tổng đài tư vấn Thanh Tâm báo Phụ nữ Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ, an ủi, đưa ra “phương thuốc” để mỗi người trong cuộc có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng người phụ nữ mà Thanh Tâm có dịp được trò chuyện ấy đã rơi vào trạng thái tâm lý khó khăn suốt một thời gian dài: Từ khi lấy chồng, lúc sinh con, nuôi con cho đến bây giờ, khi chị đã ở tuổi 50.
Ba mẹ chị sinh được 3 người con, chị là con gái, lại là con út nên từ nhỏ đã được ba mẹ, các anh cưng chiều hết mức. Đặc biệt là ba chị. Ông yêu chiều, cưng nựng chị hết chỗ nói. Ba mẹ đi đâu về có gì ngon nhất, đẹp nhất là của chị. Lúc nào ba chị cũng nhắc nhở hai anh phải chiều em, nhường em, hễ trêu em, bắt nạt em, để em khóc là ba đánh đòn. Càng lớn chị càng xinh xắn, dễ thương, lại ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi nên càng được ba mẹ yêu chiều. Rồi chị tốt nghiệp đại học ra trường, có một nơi làm việc lý tưởng và xây dựng gia đình với con trai duy nhất của người bạn thân của ba chị. Gia đình nhà chồng chị có cả địa vị xã hội lẫn tiềm lực kinh tế. Có phải cô gái nào cũng được may mắn như chị đâu? Ngỡ tưởng cuộc đời trước mắt của chị trải đầy hoa hồng, nhưng…
Cú sốc đầu tiên là khi về quê chồng ở thành phố Huế thăm họ hàng. Thấy chị đi đâu cũng nắm tay chồng, khoác tay chồng, mẹ chồng chị nhắc nhẹ nhàng: “Con đừng làm thế, ở nhà này các ông bà, các o, dì còn phong kiến dữ lắm”. Vào bữa ăn, tất cả đàn ông ngồi riêng một mâm, chị không biết cứ ngồi ngay cạnh chồng, quen như ở nhà bao giờ ba chị cũng cho chị ngồi bên cạnh ông. Bà mẹ chồng lại phải đi qua nói nhỏ vào tai chị: “Con qua mâm này ngồi với mẹ và các o, dì đi”.
gai-nhon-2.jpg
Ngỡ tưởng hôn nhân sẽ khiến cuộc đời của chị vẫn trải đầy hoa hồng, nhưng… (ảnh minh họa)
Về đến nhà chồng mọi việc càng khiến chị ngỡ ngàng hơn. Vào bữa ăn, mẹ chồng chị liên tục gắp thức ăn tiếp cho chồng và con trai, dù ai cũng ngồi rất gần các món ăn. Âu cơm để giữa mâm nhưng bố chồng và chồng vẫn đưa bát cho mẹ chồng xới cơm. Khi về phòng riêng, chị đem chuyện ấy ra hỏi chồng thì anh nói anh cũng không biết nữa, chỉ biết từ khi còn nhỏ anh đã thấy mẹ làm mọi việc trong nhà rồi, còn ba và anh không phải động tay vào việc gì. Được ít bữa, mẹ chồng tâm sự với chị. Bà nói rằng nhiều năm nay bà là người giữ lửa cho cái gia đình này, giờ có chị về, bà sẽ dần dần giao lại cho chị. Lúc đó chị chưa hình dung ra chị sẽ được bà giao lại những gì. Nhưng khi “nhận” tất cả từ tay mẹ chồng, chị đã quá sốc! Chừng hơn 5 giờ sáng tiếng guốc của mẹ chồng đã gõ lốc cốc ngoài sân khiến chị giật mình choàng dậy. Bố mẹ chồng mỗi người một khẩu vị ăn sáng riêng. Mẹ chồng cũng không quên nhắc chị về khẩu vị bữa sáng của chồng chị. Muốn giản tiện chỉ còn cách chị phải ăn món cùng sở thích với chồng mà thôi. Chị phải lo xong bữa sáng cho cả nhà, chuẩn bị ấm trà cho bố chồng vào đúng 6 giờ sáng. Dọn dẹp xong bát đĩa, chị xách làn đi chợ. Mẹ chồng chị nói chỉ nên mua thức ăn ở chợ vào đầu giờ sáng là tươi ngon nhất. Bà ghét nhất những thức ăn đã sơ chế mua về từ siêu thị. Và chị chỉ biết răm rắp làm theo. Nhưng chị khác mẹ chồng là vẫn phải đến công sở làm việc theo giờ giấc quy định nên gánh nặng việc nhà như oằn xuống trên đôi vai bé nhỏ của chị. Hễ thấy chị nhờ chồng bất cứ việc gì là mẹ chồng lại nhắc nhở: “Đàn ông đàn ang ai lại đi làm những việc ấy cho hèn người đi”.
Khi được về thăm ba mẹ đẻ, chị khóc nấc trong vòng tay ba mẹ, nói không hề tưởng tượng lấy chồng lại khổ như thế. Ba mẹ đều vỗ về an ủi, nói rằng chắc bởi từ nhỏ chị quen được cưng chiều nên mới thế, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chị sinh đứa con đầu lòng rồi con thứ hai, thứ ba đều là trai. Đứa thứ ba là do “lỡ” nhưng mẹ chồng chị biết và nhất định không cho đi giải quyết. Bà nói nhờ phúc phận ông bà tổ tiên nên đến đời con trai mới được con đàn cháu đống như thế. Chị bị cơ quan cảnh cáo vì sinh con thứ ba, vì công việc chuyên môn ngày một bê trễ. Chị rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng, rồi bị trầm cảm phải đi điều trị. Những lúc như thế, chồng chị vẫn không hề biết phải chăm sóc vợ như thế nào. Mẹ chồng vào viện thăm chị thì ca thán vắng chị nhà cửa lộn tùng phèo, ba con mấy thằng nhỏ nhếch nhác quá khiến chị thấy tủi thân đến cùng cực, nước mắt chan hoà. Ở bệnh viện về, chị đã vài lần quyết tâm huấn luyện chồng con biết tự chăm sóc bản thân mình và biết quan tâm đến người khác nhưng đều không thành. Vì mẹ chồng la lối cản trở, vì chồng và các con từ lâu đã quá quen với việc được người khác chăm sóc rồi. Chỉ còn cách xin ra ở riêng thì mới hy vọng có cuộc cách mạng trong gia đình chị. Nhưng chồng chị lại là con trai duy nhất, ba mẹ chồng, cả dòng họ bên chồng quyết liệt phản đối việc ấy. Chị chịu thua và đành buông xuôi…
Người phụ nữ ấy thở dài não nề nói với Thanh Tâm, giờ ở tuổi 50 nhưng tất cả đối với chị vẫn như ngày chị mới về làm dâu. Thanh Tâm hết sức ủng hộ việc chị quyết tâm thay đổi suy nghĩ và hành động của các thành viên trong gia đình. Tất cả họ không xấu, chỉ là họ quen với những điều chưa đúng. Thậm chí phải giả bị trọng bệnh để đánh thức cảm xúc và hành động đúng của chồng con chị cũng nên làm. Không bao giờ là quá muộn. Nhất là thời gian tới, chị sẽ có 3 cô con dâu đồng hành cùng mẹ chồng trong việc xây dựng bình đẳng giới thực sự trong gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm