Gần 60 năm nắm chặt tay nhau

30/01/2017 - 14:57
Ở khu tập thể trên phố Ngô Quyền (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), gia đình tứ đại đồng đường của ông bà Nguyễn Đăng Hải và Nguyễn Kim Đức không chỉ được ngợi khen vì hòa thuận, nề nếp mà còn bởi mối tình đẹp của hai ông bà. Tết này, họ đã có 59 năm sống bên nhau.
Sống biết điều, thu 'cái tôi' lại
 
Ông Nguyễn Đăng Hải, năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn khi kể về hôn nhân hạnh phúc của mình bên người bạn đời kém ông 7 tuổi. Hồi đó, ông là bộ đội cùng đóng quân với cậu của bà Đức. Người cậu thấy ông tốt tính, lịch lãm, nên đã muốn mai mối cháu gái của mình cho ông.

“Chúng tôi tìm hiểu nhau rất kỹ. Là trí thức sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ nên chúng tôi không nghĩ nhiều đến gia sản, môn đăng hộ đối. Chúng tôi chỉ coi trọng việc bạn đời của mình có phải là người tốt, sống có lý tưởng, trung thực hay không?”, bà Nguyễn Thị Đức nhớ lại.
Đám cưới vàng của ông bà Nguyễn Đăng Hải và Nguyễn Kim Đức 
Mẹ bà Đức biết ông Hải là đảng viên, sinh ra trong gia đình Nho học có bố làm nghề bốc thuốc cứu người thì ưng luôn. Với cụ, Đảng đã chọn và kết nạp ai thì người đó phải là thanh niên tiến bộ. Tháng 11/1958, ở tuổi 18, bà Đức trở thành vợ ông Hải. Đám cưới của ông bà tổ chức trên phố Hàng Bông theo kiểu nếp sống mới, khách đến dự uống trà, nhấm nháp chiếc kẹo ngọt rất đầm ấm.

Bố mẹ bà Đức sinh được 9 người con thì có 7 người là con gái. Theo quan niệm của các cụ đời xưa, con gái phải “tam tòng, tứ đức”. Vì thế, cụ bà dạy dỗ 7 người con gái về công, dung, ngôn, hạnh rất kỹ. Nhà bà Đức ở phố hàng Mã, có người giúp việc đỡ đần nhưng cả 7 người con vẫn phải học tề gia nội trợ, biết sắp xếp công việc gia đình đâu ra đó. “Bà ấy rất giỏi thêu thùa, đan lát. Nhìn bà ấy ngồi thêu màtôi thấy đẹp vô cùng. Tôi nghĩ, người phụ nữ khéo léo như thế chắc chắn biết vun đắp tổ ấm hạnh phúc”.

Một năm sau ngày cưới, khi con gái đầu của ông bà mới tròn 1 tuổi, ông Hải lên đường sang Nga du học. Cứ 3 năm, ông mới về thăm nhà một lần. Bà Đức đã một mình làm dâu trong gia đình chồng đông người ở phố Nguyễn Khuyến. Ngoài mẹ chồng còn có vợ chồng các anh chị chồng, dưới là các cô, chú em chồng chưa lập gia đình. Nhà chỉ có 40 m2 mọi người vẫn ăn chung, sinh hoạt chung. Đúng như ông Hải nghĩ, cảnh làm dâu của bà Đức “nhẹ như không” vì bà biết ứng xử, trên kính, dưới nhường.

Ít năm sau đó, khi ông về nước và hai ông bà có thêm cô con gái út, đến lượt ông… “làm rể” nhà ngoại. Hai vợ chồng ông bà thuê một căn nhà nhỏ ở phố Hàng Mã, ngay gần nhà bà Đức. Hàng ngày, ông bà lại đưa con về nhà ngoại ăn cơm chung. Ông Hải nhớ lại: “Gia đình vợ tôi đông con cháu nhưng lúc nào cũng hòa thuận. Bố mẹ vợ coi dâu rể như con đẻ. Tôi cũng hết lòng thương yêu các em vợ, coi chúng như em ruột mình”.

Cứ như vậy, từ những năm tháng hết ông đến bà lần lượt “làm dâu, ở rể” hai bên gia đình, cả hai đã rút ra bí quyết muốn giữ nếp nhà thì mỗi người sống phải biết điều, thu cái tôi cá nhân của mình lại để cùng hòa hợp và luôn thương yêu các thành viên khác.

Giữ nếp nhà cho con

Mấy chục năm sống bên nhau, ông bà Hải - Đức đã trải qua nhiều khó khăn. Tiền mua nhà không có, ông bà từng phải đi thuê những căn hộ nhỏ để ở. Vì công việc, ông Hải có giai đoạn gần như tháng nào cũng đi công tác xa. Vậy nhưng, bà chưa bao giờ dừng tin tưởng ông. “Nếu tôi có phải lòng cô nào ở nơi xa, bà ấy nào có biết được. Nhưng, tôi lúc nào cũng nghĩ mình là đảng viên, hãy cư xử sao cho đúng với đạo đức người cán bộ công chức và lễ nghĩa vợ chồng” - ông Hải bổ sung.

Tuy nhiên, nếu nói hai vợ chồng ông bà không từng xảy ra cãi nhau là không đúng. Bà Đức tâm sự: “Chúng tôi chưa bao giờ nói ra hai từ ly hôn mà lúc nào cũng tự nhủ phải xây dựng gia đình bền vững hơn chứ không phải phá bỏ nó”. Hễ ông giận thì bà bớt lời, chồng sai thì xin lỗi vợ và ngược lại. “Ngày trước, tôi được mẹ dạy về “tam tòng”. Bây giờ, nhiều bạn trẻ có thể thấy quan niệm đó lạc hậu nhưng xét về một góc nào đó, tôi thấy vẫn có ích”.
Nếp nhà của gia đình tứ đại đồng đường của bà vẫn luôn vững vàng nhờ biết yêu thương, chia sẻ - Ảnh: NV
Đến nay, ông Hải - bà Đức đã lên chức cụ ngoại. Vợ chồng con gái đầu của ông bà đã về hưu và thành ông bà nội. 4 thế hệ các cụ, ông bà, con, cháu đang sống quây quần trên tầng 4 khu tập thể ở phố Ngô Quyền. Ít năm trước, khi còn khỏe, bà Đức hàng ngày đi chợ, nấu cơm, lo chi tiêu cho cả đại gia đình. Giờ đây, việc chợ búa đã trao lại cho con gái lớn nhưng bà Đức vẫn đứng bếp. Hai ông bà giúp các con cháu trông, chơi đùa cùng chắt ngoại. Vào cuối tuần, có thêm gia đình cô con gái út đến chơi, đại gia đình lại cùng nhau nấu bữa ăn tươi sum họp. Học tập kinh nghiệm của cha mẹ mình năm xưa, ông bà luôn hết lòng thương yêu các con rể. Hàng ngày, ông bà đeo mục kỉnh, đọc tin tức trên internet qua chiếc Ipad nhỏ để khỏi bị lạc hậu so với con cháu.

Bà Đức thích nhất năm hết Tết đến, được cùng con cháu ăn bữa cơm tất niên. Tết trong gia đình nhỏ của bà không còn cầu kỳ như hồi bà đi làm dâu, mà đã được đơn giản hóa đi nhiều. Bánh chưng bà đặt, thực phẩm mua trong siêu thị nhưng, quan trọng nhất nếp nhà của gia đình tứ đại đồng đường của bà vẫn luôn vững vàng theo thời gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm