Chị Thu Huệ luôn trong tình trạng mệt mỏi và lo lắng mỗi khi phải đối phó với con gái đầu lòng đang tuổi ẩm ương. Con gái chị khá sôi nổi, giàu cảm xúc, thế nhưng bé rất khó kiểm soát các cảm xúc tiêu cực và thường dẫn đến các hành động tiêu cực theo.
“Nếu làm trái ý bé, bé sẽ nói những lời rất ngang bướng, sau đó là đóng sầm cửa, hoặc vùng vằng bỏ vào phòng. Nhiều lúc stress không giữ được bình tĩnh, tôi đã đánh con rất đau. Sau đó lại thương con. Cũng có lúc dỗ ngon ngọt, nhưng rồi đâu lại vào đấy!” - chị Huệ phiền lòng.
Bé không kiểm soát cảm xúc tiêu cực cần được uốn nắn kịp thời, tránh đổ lỗi hoàn cảnh như nhiều phụ huynh vẫn đang làm. Ảnh minh họa internet. |
Còn với bà Nguyễn Thị Cúc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cậu cháu đích tôn bướng bỉnh năm nay vào lớp 1 luôn khiến bà đau đầu khi muốn điều gì mà không được đáp ứng là giãy nảy lên. Có hôm còn “dọa” bà nội là sẽ không đi học nếu bà không mua cho bộ xếp hình mới, chỉ vì bạn cùng lớp có mà con không có.
Thạc sĩ Nguyễn Quế Diệu (giảng viên tâm lý ĐH Nguyễn Huệ) cho rằng, trẻ bướng bỉnh, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, dễ dẫn đến thiếu kiềm chế trong hành động, trong ứng xử với mọi người xung quanh. Những trẻ này không hề hiếm gặp.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con bướng bỉnh, thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi bao biện rằng “trẻ con mà, chấp làm gì” hay “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, rồi tự mình an ủi “lớn lên nó sẽ hiểu, nó sẽ đổi tính”.
Ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển nhân cách, trẻ thường chịu tác động, ảnh hưởng từ môi trường sống xung quanh, đặc biệt là gia đình. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trẻ thiếu kỹ năng kiểm soát các hành vi tiêu cực thường do được nuông chiều, ảnh hưởng từ môi trường xung quanh.
Cảm xúc của trẻ có thể khác nhau trong những tình huống cụ thể, nhưng khi trẻ có biểu hiện nóng nảy, thiếu kiềm chế, người lớn phải tìm cách hạn chế, định hướng trẻ về quỹ đạo phát triển bình thường, để không hình thành thói quen dẫn tới hành vi có tính chất hung hãn.
Ngược lại, nếu người lớn lơ là, không chấn chỉnh kịp thời, thậm chí cổ vũ cho trẻ thì sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường về sau.
- Để kiểm soát cảm xúc tiêu cực của trẻ, Thạc sĩ Nguyễn Quế Diệu khuyên, cha mẹ cần dành thời gian gần gũi, tìm hiểu và chia sẻ với con về những vấn đề thường gặp, trong đó đặc biệt lưu tâm đến hoạt động vui chơi của con. - Khuyến khích con nếu thấy đúng và định hướng cách ứng xử trong trường hợp bé sai, chẳng hạn như xin lỗi bạn, hay hướng con vào việc không tái phạm nữa... - Giúp con trẻ tránh khỏi tình trạng “lệch chuẩn” kéo dài trong ứng xử, bởi điều đó dễ hình thành thói quen xấu rất khó sửa. - Không nên để trẻ tiếp xúc nhiều với phim ảnh, trò chơi có tính chất bạo lực. Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần biết kiểm soát lời ăn tiếng nói, hành vi của mình cho trẻ noi theo. |