pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhà khoa học nữ đam mê nghiên cứu để giảm tác động của biến đổi khí hậu
Tiến sĩ Phan Thị Phẩm
Đồng Nai là một tỉnh phát triển không chỉ công nghiệp mà cả nông nghiệp. Hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển công nông nghiệp được Đồng Nai quan tâm. Do đó, các nghiên cứu của Tiến sĩ Phan Thị Phẩm tập trung vào nuôi tảo từ nước thải các ngành sản xuất, để xử lý nước thải, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do nước thải và thu sinh khối tảo.
Sinh khối tảo này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tạo nhiên liệu sinh học như ethanol, hydrogen sinh học. Một hướng nghiên cứu nữa hay có thể nói một nguồn nguyên vật liệu nữa mà chị lựa chọn để tạo ra nhiên liệu sinh học là các phế phẩm nông nghiệp. Việc tạo nhiên liệu sinh học từ chất thải góp phần giảm chất thải cho môi trường, đồng thời cung cấp thêm nguồn nhiên liệu sinh học tái tạo cho xã hội, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu net-zero, để giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các đề tài này khi được triển khai sẽ tăng giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Chia sẻ về công việc giảng dạy, chị cho biết, khi hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài khoa học về nuôi tảo thu sinh khối kết hợp xử lý nước thải, lúc đầu, sinh viên rất bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi tảo, thậm chí có bạn trẻ còn muốn bỏ cuộc. "Nhưng sau nhiều lần thất bại, chúng tôi đã cùng nhau tìm ra giải pháp và đề tài đã đạt được kết quả tốt. Khoảnh khắc các em nhìn thấy kết quả của công sức mình bỏ ra, những nụ cười và ánh mắt tự hào ấy làm tôi xúc động. Tôi nhận ra rằng, sự kiên nhẫn và sự hỗ trợ của mình đã tạo nên một bước ngoặt cho các em", chị chia sẻ.
Phan Thị Phẩm tốt nghiệp trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, nơi chị được trang bị những kiến thức nền tảng về lĩnh vực môi trường. Sau đó, chị tiếp tục học tập nâng cao tại trường Đại học Bách khoa TPHCM, đồng thời, trải nghiệm những kiến thức thực tế tại một đơn vị nghiên cứu và tư vấn về môi trường.
Với những kiến thức và kinh nghiệm có được, chị đã bắt đầu con đường giảng dạy của mình tại trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai, đến nay.
Với chị, việc đứng trên bục giảng, giúp sinh viên hiểu nội dung môn học để chuẩn bị cho công việc sau này, thực sự mang lại niềm vui rất lớn cho chị. Còn phòng thí nghiệm lại là nơi chị thỏa mãn sự tò mò và khám phá. Từ đó, chị nhận ra rằng cả 2 môi trường này đều là những phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Chia sẻ về những khó khăn khi làm nghiên cứu khoa học, chị Phẩm cho biết, việc dành thời gian cho nghiên cứu đòi hỏi chị phải tập trung cao độ và dành quỹ thời gian lớn, trong khi gia đình cũng cần sự chăm sóc, nhất là khi có con nhỏ. Đôi khi, chị phải hy sinh thời gian cá nhân hoặc nghỉ ngơi để hoàn thành công việc nghiên cứu hoặc tham gia các đề tài.
"Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là chồng và con cái, giúp tôi có thể vượt qua những khó khăn này và tiếp tục cống hiến cho khoa học. Tôi tin rằng với niềm đam mê và sự kiên trì, phụ nữ có thể thành công và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, bất kể những khó khăn ban đầu", nhà khoa học nữ chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Phan Thị Phẩm, để giúp phụ nữ nghiên cứu khoa học, đóng góp cho đất nước, trước hết cần tạo ra môi trường bình đẳng và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Một số giải pháp cụ thể bao gồm: Xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là trong công việc; tăng cường các chương trình đào tạo, học bổng dành riêng cho phụ nữ để giúp họ phát triển sự nghiệp nghiên cứu. Đồng thời, cần thúc đẩy các diễn đàn, hội nghị để phụ nữ có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và khẳng định vị trí của mình. Chính sự hỗ trợ này sẽ giúp phụ nữ đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.
Với quan điểm sống "luôn học hỏi và không ngừng phấn đấu", chị luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội để cải thiện bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Cũng chính vì vậy, chị chọn lĩnh vực học tập, nghiên cứu và giảng dạy về môi trường, vừa có ích cho bản thân vừa có ý nghĩa cho xã hội.