Bán cả nhà cũng không đủ tiền thuốc
Tại cuộc họp bàn về Dự thảo thông tư ban hành thuốc BHYT do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, sẽ giảm từ 50% đến 100% một số loại thuốc và hoạt chất đang được quỹ BHYT thanh toán. Hiện trong danh mục có 13 loại thuốc được thanh toán 100% nhưng do chi phí quá lớn nên đề nghị giảm xuống còn 50% như: Erlotinib, điều trị ung thư phổi, chi phí hơn 40 triệu đồng/bệnh nhân/tháng; Sorafenib, điều trị ung thư tế bào, chi phí 118 triệu đồng/bệnh nhân/tháng. Nếu được thông qua, dự kiến quy định trên sẽ thực hiện ngay trong năm 2014.
Thông tin này khiến hàng ngàn bệnh nhân đang điều trị ung thư lo lắng. Tại quầy thanh toán của Bệnh viện K Trung ương, bà Nguyễn Thu Hương (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đưa toa thuốc, chỉ vào loại Nexava viên uống nói: “Uống thuốc này mất cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Không có bảo hiểm thì tôi có bán nhà cũng chưa chắc đủ tiền mua thuốc”.
Chồng bà Hương bị ung thư thận, buộc phải điều trị dài ngày. Mỗi tháng/lần, chồng bà phải ra Hà Nội điều trị. Chi phí mỗi lần mất khoảng 30 triệu đồng dù hầu hết loại thuốc đã được BHYT thanh toán, bà chỉ phải trả 20% chi phí điều trị. Vì thế, nghe tin trong thời gian tới, một số loại thuốc dù bệnh nhân có BHYT vẫn phải thanh toán, trong đó có thuốc Nexava, bà rất lo lắng. Bởi nếu phải chi trả, số tiền điều trị mỗi đợt có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Với khoản tiền lớn như vậy thì gia đình bà Hương không biết sẽ xoay ở đâu ra?
Khi biết mình bị ung thư gan, ông Nguyễn Văn Cung (xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) rất buồn. Các bác sĩ cho biết, thời gian sống của ông chỉ kéo dài được từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng Sorafenib, sẽ giảm bớt sự tăng trưởng của khối u và sự tân tạo mạch máu thì có khả năng sống lâu hơn. Khi biết thông tin loại thuốc này có thể không được BHYT chi trả, ông Cung rất lo.
Cắt giảm thuốc chữa ung thư, xương khớp sẽ gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo
Cần có lộ trình
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng biện pháp trên của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam là chưa phù hợp. Bà Nguyễn Thị Mai, chuyên gia xã hội học (trường Đại học Công đoàn), cho rằng, việc vận động toàn dân tham gia BHYT được thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, số người tự nguyện tham gia chưa cao. Nguyên nhân là do việc tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của đóng bảo hiểm chưa tốt. Thậm chí, có những nơi chưa được 30% số dân đóng bảo hiểm tự nguyện, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. Bây giờ lại lấy lý do vỡ quỹ để áp dụng biện pháp loại một số thuốc đang được BHYT thanh toán ra khỏi danh mục, sẽ càng khiến người dân “quay lưng” với BHYT. Hơn nữa, nếu phải chi trả, nhiều người sẽ không có tiền, nhiều bệnh nhân đành bỏ điều trị, về nhà chờ chết. Thực chất, nguy cơ vỡ quỹ BHYT là do ít người tham gia BHYT nên không vì thế mà đổ gánh nặng lên đầu bệnh nhân?!
Bác sĩ Nguyễn Anh Vũ, điều phối viên về y tế của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam, cho rằng, với các bệnh ung thư, chi phí cho phẫu thuật có thể chỉ 10 triệu đến 15 triệu đồng nhưng chi trả cho hóa chất và thuốc hỗ trợ điều trị thì rất lớn. Vì thế, việc giới hạn chi trả đối với các thuốc hỗ trợ sẽ khiến bệnh nhân nghèo mất cơ hội được chữa trị. Nếu làm, chúng ta cần có lộ trình, chứ không phải nói là làm luôn, khiến nhiều bệnh nhân thiệt thòi.