Gánh nặng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

QN
06/11/2021 - 08:35
Gánh nặng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi
Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là một vấn đề rất phổ biến, ảnh hưởng đến tỷ lệ lớn người cao tuổi. Nó do nhiều nguyên nhân khác nhau, đều gây nên các hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với chính bệnh nhân và cả gia đình của họ.

1. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là tình trạng suy giảm chức năng nhận thức nhiều hơn mức dự đoán so với các đối tượng cùng lứa tuổi khác. Sự suy giảm này đi kèm ảnh hưởng lên các khả năng như trí nhớ, ngôn ngữ, kỹ năng thị giác - thính giác, khả năng tư duy,... Tuy nhiên ý thức của người bệnh không bị thay đổi.

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là một vấn đề phổ biến trên thực tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 55 triệu người trên toàn cầu bị sa sút trí tuệ, trong đó chủ yếu là người cao tuổi. Và dự báo con số này sẽ gia tăng nhanh chóng, đạt mức 78 triệu người mắc vào năm 2030 và đến năm 250 sẽ có đến 139 triệu người mắc.

Nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tỷ lệ thuận với tuổi tác, điều này đã được chứng minh qua các nghiên cứu. Nếu như chỉ có khoảng 5-10% người trên 65 tuổi bị sa sút trí tuệ, thì với những người trên 80 tuổi, tỷ lệ này tăng lên là 20%. Thậm chí, có đến gần 50% người trên 90 tuổi sẽ bị sa sút trí tuệ.

Điều này khiến sa sút trí tuệ ở người già trở thành nguyên nhân xếp thứ 7 trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở người cao tuổi.

Gánh nặng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi - Ảnh 1.

Sa sút trí tuệ ở người già không phải là một vấn đề hiếm gặp (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

2.1. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi do bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi phổ biến nhất trên thực tế. Nó chịu trách nhiệm cho 60-80% các trường hợp sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

Sự lắng đọng Amyloid và Protein-Tau trong bệnh Alzheimer tạo thành các mảng và đám rối tại não. Những cấu trúc bất thường này gây suy giảm chức năng của tế bào não, ngăn cản sự hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Vì vậy, sự liên kết thông tin giữa các tế bào thần kinh trong não bị gián đoạn, dẫn đến sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

2.2. Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi do mạch máu

Đây cũng là một nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi khá thường gặp. Sự bất thường mạch máu do một nguyên nhân nào đó dẫn đến suy giảm lượng máu nuôi đến não đều sẽ gây nên những tổn thương tại não. Đó có thể là do hẹp mạch máu não, cục máu đông trong lòng mạch, xuất huyết não,...

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các bệnh nhân có vấn đề bất thường mạch não đều sẽ bị sa sút trí tuệ.

2.3. Sa sút trí tuệ thể Lewy

Protein alpha-synuclein được coi là nguyên nhân chịu trách nhiệm chính trong sự xuất hiện của sa sút trí tuệ thể Lewy. Sự lắng đọng protein này tạo thành một cấu trúc gọi là thể Lewy. Cấu trúc này cản trở sự hoạt động bình thường và giao tiếp giữa các tế bào thần kinh với nhau. Hậu quả cuối cùng là làm tổn thương và làm chết các tế bào thần kinh.

2.4. Sa sút trí tuệ ở vùng trán

Thể sa sút trí tuệ này hay gặp nhất ở những người trong độ tuổi từ 50-60 tuổi, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra ở những người lớn tuổi hơn. Trong thể sa sút trí tuệ này, nguyên nhân chính gây nên là sự kết tụ bất thường của các protein tại thùy trán và thùy thái dương của não. Do đó làm tổn thương não và gây nên sa sút trí tuệ ở người cap tuổi.

2.5. Một số nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi ít gặp hơn

Bên cạnh những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hay gặp như đã kể ở trên, còn có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn. Chẳng hạn có thể kể đến như bệnh Parkinson, bệnh Huntington, thoái hóa cơ bản vỏ não, sa sút trí tuệ do rượu,...

Hoặc đôi lúc, sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cũng không phải do một nguyên nhân đơn độc gây nên, mà đây là sự phối hợp hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn bệnh Alzheimer và các tổn thương mạch máu đều là những vấn đề rất phổ biến với người cao tuổi. Chúng có thể phối hợp với nhau và gây nên sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

3. Biểu hiện sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Những bệnh nhân sa sút trí tuệ khác nhau có thể biểu hiện bệnh theo những cách khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe nền của người bệnh. Bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần trước khi bị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Tuy nhiên nhìn chung, một trường hợp sa sút trí tuệ ở người cao tuổi về cơ bản sẽ trải qua ba giai đoạn.

Để tìm hiểu kỹ thêm bạn có thể thực hiện sàng lọc về nhận thức của người cao tuổi qua bài test MNSE bao gồm các đánh giá về định hướng, khả năng ghi nhận tức thì, khả năng hồi ức, khả năng tính toán, khả năng ngôn ngữ,... THỰC HIỆN TẠI ĐÂY.

3.1. Biểu hiện sa sút trí tuệ ở người cao tuổi giai đoạn sớm

Sự xuất hiện của sa sút trí tuệ rất âm thầm, nó là hậu quả của một quá trình diễn tiến kéo dài. Ngay khi bệnh mới xuất hiện, các vấn đề mà nó gây nên cho người bệnh thường không quá nghiêm trọng. Điều này khiến người bệnh đôi lúc không chú ý và thậm chí không nhận ra các bất thường mà bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi gây nên.

Những biểu hiện thường thấy trong giai đoạn sớm của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi có thể kể đến như:

- Khó tập trung trong công việc hay một hành động nào đó.

- Gặp khó khăn khi giao tiếp, sử dụng từ không chính xác, hoặc không thể theo dõi một cuộc hội thoại.

- Người bệnh có biểu hiện hay quên, đôi lúc không thể nhớ được tên của một người quen, hay một hành động mình đã từng làm,...

- Có thể gặp phải các vấn đề trong nhận biết không gian và thời gian.

- Tâm trạng thường xuyên thay đổi thất thường.

Gánh nặng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi - Ảnh 2.

Người già bị sa sút trí tuệ thường có biểu hiện hay quên (Ảnh: Internet)

3.2. Biểu hiện sa sút trí tuệ ở người cao tuổi giai đoạn trung gian

Sau thời gian, sa sút trí tuệ ở người cao tuổi sẽ diễn tiến từ giai đoạn sớm sang giai đoạn trung gian. Các biểu hiện triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn cùng với sự nặng hơn của bệnh. Chúng trở nên đặc trưng hơn và dễ nhận biết biết hơn.

- Khả năng tiếp nhận và xử lý các thông tin mới của người bệnh trong giai đoạn này hạn chế và khó khăn hơn.

- Biểu hiện hay quên thường xuyên xảy ra hơn, thậm chí người bệnh quên mất cả những sự việc mà bản thân vừa mới làm xong.

- Không thể phân biệt phương hướng trong chính ngôi nhà của mình.

- Khả năng tự chăm sóc bản thân bị suy giảm, cần có sự chăm sóc từ những người xung quanh.

- Trong giai đoạn này, người bệnh không chỉ có sự thay đổi bất thường về tâm trạng mà đã có các biểu hiện thay đổi về hành vi.

3.3. Biểu hiện sa sút trí tuệ ở người cao tuổi giai đoạn muộn

Đây là giai đoạn cuối cùng của bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, và cũng là giai đoạn nặng nề nhất của bệnh. Bệnh nhân ở giai đoạn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tự chăm sóc bản thân, thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào những người xung quanh.

- Người bệnh có thể hoàn toàn không nhận ra người thân, nơi mình sống hoặc thậm chí là quên mất chính bản thân mình là ai.

- Chức năng ngôn ngữ bị suy giảm nghiêm trọng, có thể mất khả năng giao tiếp.

- Không thể phân biệt được không gian và thời gian.

- Sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc từ người thân.

- Không kiểm soát được hành vi, không biết mình đang làm gì.

4. Chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người cao tuổi như thế nào?

Khi một bệnh nhân nghi ngờ bị sa sút trí tuệ được đưa đến gặp bác sĩ. Tại đây họ sẽ được tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết,... để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

4.1. Thăm khám lâm sàng

Điều đầu tiên mà bác sĩ làm sẽ là hỏi các thông tin về tình trạng bệnh của bệnh nhân. Những thông tin này có thể được cung cấp bởi chính bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho phép đánh giá được mức độ suy giảm nhận thức, trí nhớ mà người bệnh đang gặp phải.

Bên cạnh đó, các bài kiểm tra ngắn trạng thái tâm trí cũng sẽ được đưa ra. Những câu hỏi trắc nghiệm trong bài kiểm tra sẽ là các dấu hiệu để bác sĩ nhận biết tình trạng sa sút trí tuệ ở cao tuổi một cách khách quan hơn. Nhất là trong những trường hợp sa sút trí tuệ mức độ nhẹ hay ở giai đoạn sớm của bệnh.

Ngoài những điều trên, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám cần thiết khác trên tất cả các hệ thống cơ quan của người bệnh, nhưng đặc biệt chú ý đến hệ thống thần kinh. Sự thăm khám toàn diện này phản ánh nhiều thông tin có giá trị như trương lực cơ, sự điều phối động tác, phản xạ, ngôn ngữ, hành vi, tư duy và trí nhớ,...

4.2. Các xét nghiệm chẩn đoán sa sút trí tuệ ở cao tuổi

- Các xét nghiệm thường quy: Những xét nghiệm thường quy được chỉ định trên hầu hết các bệnh nhân nghi ngờ bị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi bao gồm xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, chức năng gan - thận, chức năng tuyến giáp, hàm lượng vitamin B12,...

- Cận lâm sàng hình ảnh học: Các cận lâm sàng hình ảnh học như CT-Scanner, MRI, siêu âm xuyên sọ,... không chẩn đoán trực tiếp sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Nhưng chúng lại cho phép đánh giá rộng rãi hơn, tìm kiếm các nguyên nhân có thể liên quan đến sa sút trí tuệ như tổn thương mạch máu, sự teo nhỏ của các cấu trúc não,...

- Các thăm dò chức năng: Những cận lâm sàng thăm dò chức năng như điện não đồ,... có thể được chỉ định để theo dõi hoạt động thần kinh của não.

Gánh nặng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi - Ảnh 3.

Điện não có thể được sử dụng trong chẩn đoán sa sút trí tuệ ở người cao tuổi (Ảnh: Internet)

5. Điều trị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Cho đến hiện nay, điều trị sa sút trí tuệ vẫn còn có rất nhiều hạn chế. Các nhà khoa học, y tế vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để đưa ra một phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một số biện pháp sau đây được hy vọng có thể giúp kiểm soát và ngăn chặn sa sút trí tuệ ở người cao tuổi.

- Xử lý các yếu tố nguy cơ

Một số tình trạng bệnh lý nền khác nhau có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ, nhất là những bệnh lý có thể gây nên sa sút trí tuệ do mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,...

- Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể đem lại một số hiệu quả trong việc kiểm soát sa sút trí tuệ. Các bệnh nhân được khuyên nên ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, tăng cường luyện tập thể chất, tránh gây kích thích cho người bệnh hoặc người bệnh bị trạng thái stress,...

- Liệu pháp dinh dưỡng và nội tiết

Liệu pháp dinh dưỡng và nội tiết có thể là một hướng đi mới trong điều trị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Liệu pháp được đưa ra dựa trên một số bằng chứng về tác động tích cực của Omega-3 và Estrogen đối với hệ thần kinh. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều bằng chứng hơn nữa để có thể áp dụng phương pháp này trên thực tế.

- Sử dụng thuốc

Một số nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ. Chẳng hạn có thể kể đến như các thuốc tác động toàn thể (thuốc điều hòa tuần hoàn não, thuốc điều hòa tâm trí, thuốc kích thích nhận thức,...); các thuốc tác động lên chất dẫn truyền thần kinh (thuốc ức chế men cholinesterase, thuốc chống oxy hóa,...); các thuốc dưỡng thần kinh,...

Trong thực tế, căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể, sức khỏe nền của người bệnh, điều kiện kinh tế,... mà bác sĩ có thể đưa ra những sự lựa chọn thuốc điều trị khác nhau cho bệnh nhân.

6. Chăm sóc người cao tuổi bị sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi khiến khả năng tự chăm sóc bản thân của họ giảm xuống nghiêm trọng. Thậm chí, mất khả năng tự chăm sóc bản thân và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người bên cạnh. Do đó, vấn đề chăm sóc người cao tuổi bị sa sút trí tuệ thực sự là một vấn đề rất đáng được quan tâm.

- Dinh dưỡng

Sa sút trí tuệ khiến người bệnh không nhận thức được nhu cầu dinh dưỡng của bản thân, không nhận ra thức ăn hoặc không chịu ăn.

Để khắc phục điều này người chăm sóc nên ưu tiên chế biến các loại thức ăn mà bệnh nhân thích ăn, chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa, kiên trì khi bệnh nhân ăn, thường xuyên thay đổi cách chế biến thức ăn,...

Gánh nặng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi - Ảnh 4.

Cần có chế độ ăn uống thích hợp để đảm bảo cho các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ở người cao tuổi (Ảnh: Internet)

- Đi vệ sinh

Người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ có thể gặp phải các vấn đề khi đi vệ sinh, chẳng hạn như tiểu tiện không tự chủ, không biết nên thực hiện động tác đi vệ sinh như thế nào.

Do đó, cần chú ý các biểu hiện của người bệnh muốn đi vệ sinh để có thể giúp đỡ họ kịp thời, đặt các biển hướng dẫn bằng hình vẽ dễ hiểu trong nhà vệ sinh để bệnh nhân làm theo, mở cửa nhà vệ sinh và bật đèn sẵn để người bệnh có thể sẵn sàng sử dụng ngay khi họ cần,...

- Tắm rửa

Các dụng cụ như máy nóng lạnh, bồn tắm, hóa chất trong dầu gội,... đều là những thứ có thể gây nguy hiểm cho người cao tuổi bị sa sút trí tuệ khi họ tắm rửa.

Người chăm sóc cần hỗ trợ bệnh nhân khi thực hiện hoạt động này để tránh gặp phải những nguy hiểm ngoài ý muốn. Chẳng hạn như trấn an người bệnh và không để họ hoảng sợ; sử dụng các dụng cụ vệ sinh cá nhân hoặc dầu gội đầu theo sở thích của họ; và hãy kiên trì ở lại cùng với người bệnh, tránh để người bệnh tự tắm một mình,...

- Giấc ngủ

Người chăm sóc có thể giúp những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ do tuổi già ngủ ngon hơn bằng cách tăng cường hoạt động thể lực vào ban ngày; hạn chế ngủ trưa; tránh sử dụng các chất kích thích chứa Cafein; bố trí phòng của bệnh nhân hợp lý để bệnh nhân có thể cảm nhận được đó là ban ngày hay là ban đêm,...

* Người chăm sóc cũng cần tự chăm sóc bản thân

Chăm sóc người bị sa sút trí tuệ không phải là một việc dễ dàng, công việc này sẽ diễn ra trong một thời gian rất dài. Chính vì vậy, những người chăm sóc bệnh nhân cũng cần phải biết cách tự chăm sóc chính bản thân mình.

Khi cảm thấy bản thân quá căng thẳng hoặc không thể chăm lo tốt nhất cho bệnh nhân nếu chỉ có một mình. Hãy nhờ đến sự giúp đỡ và chia sẻ đến từ các thành viên khác trong gia đình.

Hoặc tìm tới, nói chuyện với những người chăm sóc khác đang trong hoàn cảnh tương tự cũng là một cách giải tỏa tâm trạng hiệu quả. Ngoài ra, thông qua sự trao đổi này còn có thể nhận được rất nhiều những lời khuyên hữu ích cho cả bệnh nhân và đối với gia đình.

7. Phòng tránh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Cho đến nay, vẫn chưa có cách phòng tránh đặc hiệu nào cho tình trạng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Điều này có nghĩa là không thể ngăn chặn nó xảy ra. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra một số biện pháp sau đây có thể giảm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ:

- Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

- Thường xuyên hoạt động thể lực để tăng cường sức khỏe thể chất.

- Giữ gìn sức khỏe tâm thần, hạn chế các căng thẳng về mặt tâm lý, tránh trầm cảm,...

Qua đây có thể thấy rằng, sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là một tình trạng phổ biến. Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống của chính bệnh nhân và cả gia đình họ. Do đó, cần phát hiện sớm các biểu hiện của sa sút trí tuệ để có các biện pháp điều trị, chăm sóc thích hợp đối với người bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm