Chị “gà độ”
Giữ cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã Long Mỹ từ năm 1997 đến bây giờ, chị Nhi luôn là một gương điển hình tiêu biểu cho nhiều chị em trong xã noi theo. 20 năm làm công tác Hội là 20 năm chị không mệt mỏi theo sát các phong trào Trung ương đến cơ sở. Và cái bí danh “gà độ” cũng theo chị từ đó. Chị được mọi người gọi với cái tên như vậy là vì mỗi khi tham gia cuộc thi nào, dù là cá nhân hay tập thể thì chị đều thắng cuộc. Như các cuộc thi “dân vận khéo của tỉnh”, “gia đình văn hóa”, “công tác tuyên truyền bảo hiểm y tế”, “tiếng hát nông thôn mới”…
Không chỉ là người lãnh đạo giỏi, chị còn trực tiếp biên soạn nhiều tiết mục tự biên giúp hội viên đi thi và giành giải cao ở kỳ thi các cấp trong tỉnh. Chị Nhi nhớ lại: “Kỷ niệm ấn tượng nhất với tôi là tham gia cuộc thi câu lạc bộ phòng chống buôn bán người của Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại huyện mang Thít. Lúc đó, tôi chỉ viết kịch và đạo diễn cho chị em hội viên phụ nữ đóng vai. Đến ngày đi thi thì người đóng vai bà môi giới bị tai nạn không thể tham gia được thế là tôi phải đảm nhiệm luôn vai đó. Không có chuẩn bị tinh thần làm diễn viên nên tôi rất run, nhưng may mắn là tiểu phẩm của Long Mỹ vẫn đoạt giải nhất và được ban giám khảo đánh giá rất cao”.
Người phụ nữ của mô hình
Xác định “Học tập” và “làm theo” gương Bác là hai vấn đề song song, do đó chị luôn nghiên cứu để có nhiều cách làm mới, xây dựng mô hình mới mang lại hiệu quả cao hơn. Tại địa phương, chị đã gầy dựng và phát động nhiều mô hình hiệu quả và thiết thực như: “Nuôi heo đất giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tổ phụ nữ giúp bệnh nhân nghèo”, “Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo”, “nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “mái ấm tình thương”…
Chị đã đề ra giải pháp đẩy mạnh hoạt động “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo”. Chị đã trực tiếp khảo sát, chụp ảnh nhà dột nát, viết thư ngỏ gởi đến các tổ chức, cá nhân, vận động Việt kiều về thăm quê giúp đỡ phụ nữ nghèo. Triển khai kế hoạch vận động hội viên hàng tháng góp từ 2.000 đến 5.000đ để xây dựng “Mái ấm tình thương”. Điển hình như năm 2016, chị đã vận động cất mới một ngôi nhà cho Hội viên phụ nữ nghèo trị giá hơn 60 triệu đồng. Vận động 366 suất học bổng cho Học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn số tiền 470 triệu đồng và 3 xe đạp, 1 máy Laptop cho 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 14 triệu đồng .
Nhiều mô hình do chị sáng kiến như “Nhà tôi xanh- sạch – đẹp”, “Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo”… đang thực hiện cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chị em. Các mô hình không chỉ có ý nghĩa về tinh thần tương thân tương ái, thắt chặt tình đoàn kết giữa các hội viên mà còn có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường.
Với chị Nhi, phương châm trong công việc là quyết tâm làm đến cùng và bền chí: “Khi đã nhận nhiệm vụ thì khó cỡ nào tôi cũng phải cho bằng được, làm để khẳng định mình chứ không phải làm đối phó hay làm để người ta đừng cười. Tôi nhớ năm 2013, khi cán bộ Hội LHPN xã chúng tôi đặt lịch đi tuyên truyền cho một số chị em ở cơ sở. Khi xuống tới nơi, các chị đi làm ruộng chưa ai về dự họp cả. Lúc đó, tôi quyết định đã lên lịch họp là phải họp, nếu mà quay về thì lần sau mấy chị ỷ lại và không coi trọng cuộc họp. Đợi mãi cũng tập hợp được chị em và họp xuyên buổi trưa. Mọi người lúc đó có mang theo đồ ăn đến để chống đói, “cây nhà lá vườn” người góp ít vậy mà vui. Cuối cùng, buổi họp đã thành công và không khí rất vui vẻ”.
Bởi vì theo sát chị em lâu năm nên chị nhận rất nhiều sự quý mến. Hội viên Lê Thị Kiều Oanh, ấp Long Khánh, xã Long Mỹ bộc bạch : “Chị Nhi là người làm việc rất có tâm. Chị ấy nói được thì làm được, chị Nhi đi sâu đi sát và lắng nghe ý kiến từng người, vì thế hội viên chúng tôi rất tin tưởng”.
Chị Lê Thị Lợi , Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Thít (Vĩnh Long) nhận xét: “Về các phong trào thì chị Nhi hoạt động rất tốt. Hội LHPN huyện mà giao nhiệm vụ gì thì chị Nhi làm rất hiệu quả. Trong huyện, khi nói về các sáng kiến, các mô hình hay trong công tác Hội đều nhắc đến xã Long Mỹ”.
Chị Nhi từng tâm sự rằng: Chỉ cầu mong đến ngày về hưu chỉ làm ở Hội LHPN mà thôi. Có lẽ vì thế mà nhiều lần được bố trí sang vị trí mới nhưng chị vẫn tha thiết xin ở lại và chưa bao giờ “tắt lửa” nhiệt huyết với nghề.