Ghen với 'tập 1' của nàng

18/08/2015 - 11:05
Mỗi khi anh làm điều gì đó chưa đúng, bị vợ cằn nhằn, góp ý, anh chẳng những không có ý định tiếp thu, sửa chữa mà lại có thái độ tự ái, bất mãn, so sánh: “Ừ, thì anh chỉ có vậy thôi, không thể hoàn chỉnh bằng “tập 1” của em được".
Hình bóng "tập 1" của vợ luôn ám ảnh khiến anh thường xuyên ghen tuông vô lý (Ảnh minh họa)

Cuộc hôn nhân lần thứ nhất mới chấm dứt được gần 2 năm, Hoài đã gật đầu lên xe hoa lần 2. Hoài từng nghĩ, với sự tử tế, tốt bụng, biết yêu thương của "người mới” cùng nỗ lực của bản thân thì cô sẽ có hạnh phúc. 
Lúc hẹn hò, anh chàng "tập 2” của Hoài rất ổn. Song, khi cưới nhau rồi, anh không còn là ”người tình của người tình nữa”. Anh vẫn yêu thương vợ nhưng lại không giữ được những thói quen chiều chuộng, ga-lăng, kiên nhẫn và bao dung. Đặc biệt, hình bóng về “tập 1” của vợ thường ám ảnh anh. Mỗi khi thấy Hoài buồn buồn, im lặng, kiệm lời, anh không cần hỏi lý do, không có ý định an ủi mà quy kết ngay là: “Chắc em đang nhớ “người cũ”, “Lại buồn vì ”người cũ”… thế rồi anh tỏ ra hậm hực, ghen tuông.
Mỗi khi anh làm điều gì đó chưa đúng, bị vợ cằn nhằn, góp ý, anh chẳng những không có ý định tiếp thu, sửa chữa mà lại có thái độ tự ái, bất mãn, so sánh: “Ừ, thì anh chỉ có vậy thôi, không thể hoàn chỉnh bằng “tập 1” của em được”. 
 Những hôm Hoài mắc công chuyện đột xuất, phải ở lại công ty làm thêm giờ, lúc về nhà, cô thường bắt gặp gương mặt không vui, không hài lòng của chồng. Anh quá ghen đến mức không cần để ý đến sự mệt mỏi, căng thẳng vì công việc của cô. Anh không cần hỏi han xem vợ đã ăn uống gì chưa. Câu đầu tiên anh nói khi nhìn thấy vợ thường là: "Em làm việc hay chỉ lấy cớ thế để hẹn gặp “người ta”?”… 
Khi anh lấy Hoài, anh vẫn là trai tân. Để cưới được Hoài, anh đã phải đấu tranh rất nhiều với bố mẹ mình thì mới có được sự đồng ý. Hoài luôn có cảm giác hàm ơn anh vì điều đó. Vì vậy, có nhiều lúc ở bên chồng, trong Hoài đột nhiên dâng lên cảm giác muốn được “trả ơn” anh, muốn thể hiện sự chiều chuộng, chăm sóc, ngọt ngào, âu yếm, quan tâm với chồng nhiều hơn bình thường một chút. Song, sự “đáp lại” của chồng thường làm cô phải ngỡ ngàng. Anh không nhận ra thành ý của vợ, không sẵn sàng đón nhận mà ngay lập tức tỏ thái độ nghi ngờ: “Này, có phải ngày trước em cũng thường xuyên đối xử với anh ta như thế?”. 
Có lúc Hoài không dẹp bỏ được "mặc cảm tội lỗi” vì đã qua "một lần đò”. Thấy chồng cáu, ghen, gây sự thì cô chọn cách nhẫn nhịn, im lặng và chịu đựng. Nhưng khi anh cứ thường xuyên bị ám ảnh, dằn vặt ghen tuông với chồng cũ của cô rồi  gây sự thì Hoài cảm thấy thực sự lo lắng. Cô sợ nếu cứ triền miên thế này thì cũng đến ngày đời sống vợ chồng chỉ còn là địa ngục. Nếu không cẩn thận, nó còn dẫn đến sự tan vỡ lần nữa. Đấy là điều Hoài hoàn toàn không muốn. 
 Sau một trận xung đột lớn, Hoài nghĩ đã đến lúc cần phải giải quyết dứt điểm. Cô đã tâm sự thẳng thắn với anh, bày tỏ rõ ràng quan điểm quá khứ đã khép lại và cô cần anh hỗ trợ. Hoài cũng khẳng định từ nay cô sẽ không còn cam chịu những ghen tuông vô lý của anh nữa. Ngoài ra, để giúp chồng hạn chế tối đa những chi tiết, hình ảnh, câu chuyện gợi nhớ về ”tập 1” của vợ, Hoài đã loại bỏ tất cả album ảnh, đồ dùng, quà tặng của chồng cũ ra khỏi cuộc sống. Trong điện thoại, tin nhắn, email, thông tin trên facebook, trong các cuộc trò chuyện với người quen, thân… Hoài không nhắc đến “người ấy”.
Thỉnh thoảng, giữa cô và chồng cũ vẫn còn một số việc phát sinh cần giải quyết thì cô cũng hạn chế tối đa việc hẹn gặp. Nếu có gặp, Hoài không còn e ngại, che giấu vì sợ chồng ghen như trước mà kể công khai với anh và ngỏ ý muốn anh đi cùng, bàn bạc với anh để cùng anh giải quyết… Mặc  dù mới áp dụng một số chiêu thức ấy chừng nửa năm nhưng Hoài đã mừng vì thấy chồng có chút thay đổi. Anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi nhìn về quá khứ của vợ và những căng thẳng giữa 2 vợ chồng đang ngày một giảm.
 

Bớt ghen với "người cũ"

- Cần có những “khoảng chờ”, sự tìm hiểu cần thiết về mối quan hệ mới sau khi đã ly dị.

- Nên chọn cách công khai, minh bạch khi có sự liên hệ lại với “người cũ” để tránh sự nghi ngờ, ghen tuông.

- Không nên để những câu  chuyện, kỷ vật, hình ảnh… của "người cũ” xuất hiện trong đời sống gia đình mới.

- Chú trọng sự chân thành trong tình cảm, suy nghĩ, hành động với ”người mới”.

- Thường xuyên trao đổi, chia sẻ với nhau trong việc cùng giúp nhau quên đi quá khứ, hướng tới tương lai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm