Kết hợp các tế bào gốc người với ADN của lợn
Tại Mỹ, nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu đã bắt tay thực hiện dự án này. Tiên phong có trường Đại học California (UoC), nơi đã tiến hành thí nghiệm phát triển các cơ quan của con người bên trong cơ thể lợn bằng cách kết hợp các tế bào gốc người với ADN của lợn và cho phép phôi trưởng thành trong 28 ngày để tiến hành phân tích mô.
Để tạo ra phôi có nhiều mô khác nhau về gene, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR để loại bỏ một phần ADN của lợn, giúp phôi phát triển thành một tuyến tụy hợp cách.
Tế bào gốc đa nhân (iPS) của người được tiêm vào phôi lợn, đây là những tế bào có tiềm năng phát triển thành bất kỳ loại mô nào trong thai nhi. Mặc dù là vật ngoại lai di truyền nhưng chúng không bị từ chối bởi phôi lợn do hệ miễn dịch chưa phát triển. Thay vào đó, các tế bào này lại có các dấu hiệu hóa học từ phôi lợn để phát triển thành các mô khác nhau ở thai nhi.
Trong hầu hết các trường hợp, chúng được hoàn thiện bởi các tế bào của phôi lợn nhưng trong trường hợp tuyến tụy không hề có tế bào lợn, do phôi phát triển tuyến tụy có nguồn gốc từ các tế bào người được các nhà khoa học tiêm vào.
Một dự án khác của Đại học Harvard (Mỹ) sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR đã loại bỏ thành công mã di truyền virus trong phôi lợn. Các phôi này sau đó được cấy vào lợn cái rồi sinh ra lợn khỏe mạnh. Nghiên cứu trên cho thấy, việc thay thế nội tạng người bằng nội tạng động vật là hoàn toàn khả thi.
Tại Nhật Bản, dự án dùng nội tạng lợn cấy ghép đang được nghiên cứu triệt để. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tạo ra những con lợn đầu tiên để cấy ghép dựa trên những quy định quốc gia về cấy ghép dị chủng (cơ quan, tế bào động vật được cấy ghép cho con người). Con vật này sẽ trở thành “nhà máy” cung cấp nội tạng cấp y học, chữa bệnh cho con người. Theo thống kê, đến nay, có trên 200 ca cấy ghép nội tạng lợn cho người ở Nga và New Zealand nhưng cấy ghép dị chủng tại Nhật Bản thì chưa có.
Tại Nhật Bản, quy định động vật dùng trong cấy ghép phải được nuôi trong môi trường sạch, được xét nghiệm 40 loại virus để tránh truyền bệnh cho con người. Dự báo trong 3-5 năm tới, nghiên cứu lâm sàng cấy ghép tế bào tụy lợn cho người đái tháo đường sẽ được thực hiện. Những tế bào này sẽ được bọc trong những viên nang đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ đào thải của cơ thể người bệnh.
Những trở ngại ghép nội tạng lợn cho người
Nếu được cấp phép, việc ghép tạng lợn cho người sẽ là một giải pháp cứu hàng triệu người mắc bệnh nan y trên thế giới hiện nay. Tuy khả thi song dự án còn nhiều trở ngại, như vấn đề đạo đức, kỹ thuật. Về đạo đức, liệu sử dụng nội tạng động vật có mang tính nhân văn? Nếu người được ghép các cơ quan động vật thì việc định nghĩa về con người như thế nào cho chính xác?
Về kỹ thuật, việc đào thải của cơ thể và nguy cơ lây nhiễm PERV là hai vấn đề nan giải. Điều này được rút ra sau khi cấy ghép thử tế bào tuyến tụy lợn cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy không lây nhiễm PERV nhưng do số lượng tế bào nhỏ, lại được bọc bởi một viên nang bảo vệ nên chưa lộ hết mặt trái.
Nếu cấy ghép cơ quan lớn hơn, như tim, gan hoặc phổi, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc chống đào thải. Việc ức chế hệ miễn dịch không cho nó tấn công vào cơ quan ghép đặt ra một nguy cơ lây truyền bệnh lớn. Công nghệ chỉnh sửa tế bào có thể cắt bỏ PERV khỏi ADN nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo, cần công cụ khác chính xác hơn, như CRISPR chẳng hạn.
Tuy vậy nhiều hệ lụy khác khoa học vẫn chưa hiểu hết như một dòng tế bào “bất tử” ở lợn. Chúng có thể sống và phân chia vô hạn, giống như tế bào ung thư mà mất đi khả năng “bất tử” sau chỉnh sửa.