Gia đình Syria đặt tên con là Angela Merkel để vinh danh Thủ tướng Đức

23/08/2017 - 15:30
Một gia đình người Syria ở Đức đã đặt tên cho thành viên mới nhất trong gia đình là Angela Merkel Mohammed để vinh danh nữ Thủ tướng Đức và chính sách mở cửa của bà đối với người tị nạn đến từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Bé gái này là con của mẹ Asia Faray và cha Khalid Mohammed, sinh ngày 16/8 tại Bệnh viện St. Franziskus ở thành phố Münster, miền Tây nước Đức, theo thông tin được công bố trên trang Facebook của bệnh viện.

"Angela Merkel Mohammed ngủ yên trong vòng tay của mẹ và không cảm nhận thấy sự háo hức xoay quanh cái tên của cô bé. Vài năm nữa, cô bé có lẽ sẽ hiểu rằng mình được gọi bởi cùng một cái tên với người đứng đầu chính phủ ngày nay," bài viết đăng.

"Tên của cô bé là Angela, tên đệm là Merkel. Với quyết định này, cha mẹ cô bé muốn tỏ lòng biết ơn với thủ tướng" - Reuters trích dẫn lời của một phát ngôn viên của bệnh viện.

Cùng với bốn anh chị em của cô bé, cha mẹ Angela đến nước Đức vào đúng cao điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn vào năm 2015, khi bà Merkel mở cửa biên giới cho những người nhập cư đang chạy trốn các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria và Iraq.

Cô bé Angela không phải là bé gái đầu tiên được đặt theo tên Thủ tướng Đức. Hồi năm 2015, bé Angela Merkel Ade đã được một bà mẹ người Ghana sinh ra ở thành phố Hannover, miền Bắc nước Đức.
Bé gái Angela Merkel Mohammed trong vòng tay bố mẹ. (Nguồn: rt.com)


Chính sách tị nạn của bà Merkel đã gây ra phản ứng lẫn lộn, khen ngợi có mà lên án cũng có, với việc tỷ lệ ủng hộ bà giảm xuống và đảng cánh hữu AfD thu hút được sự ủng hộ của người dân.

Dòng người tị nạn đã thúc đẩy hoạt động của các nhóm chống nhập cư, chẳng hạn như Pegida - nhóm đã tổ chức các cuộc míttinh khắp nước Đức cũng như các quốc gia châu Âu khác.

Những vụ tấn công khét tiếng năm 2015 vào đêm giao thừa ở Cologne, mà trong đó có hơn 1.200 người được cho là đã bị tấn công tình dục hoặc bị cướp bởi các nhóm người di cư, đã khiến cho xã hội Đức phân cực.

Một số vụ tấn công công khai do người xin tị nạn đến từ Trung Đông gây ra cũng đã khiến giới truyền thông chú ý.

Tỷ lệ ủng hộ bà Merkel gần đây đã được cải thiện trước thềm cuộc bầu cử ngày 24/9 khi Đức tiếp tục trục xuất sang Hy Lạp những người xin tị nạn bị từ chối.

Tuy nhiên, Horst Seehofer, người đứng đầu Hiệp hội Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) ở Bavaria, đảng có liên hệ mật thiết với đảng CDU của bà Merkel, đã gọi những sự trục xuất này là "một ảo ảnh vĩ đại," và trích dẫn một số lượng lớn những vụ kiện tại các tòa án địa phương mà trong đó những người tị nạn phản đối và thách thức quyết định đưa họ quay trở lại.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy vào năm 2016, có khoảng 18,6 triệu người ở Đức - tức là 22,5% tổng dân số - có gốc là người di cư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm